Góp ý Luật Công chứng sửa đổi: Băn khoăn cách ghi thời điểm công chứng

(PLO)- Đại biểu cho rằng ghi thời điểm công chứng cụ thể giờ, phút khó thực hiện, hoặc nếu phải ghi thì cần xác định rõ thời điểm này là thời điểm nào trong quá trình công chứng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Video: Góp ý Luật Công chứng sửa đổi: Băn khoăn cách ghi thời điểm công chứng

Ngày 13-4, tại TP Cần Thơ, Cục Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm đóng góp ý kiến dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Đại biểu tham gia tọa đàm góp ý Luật Công chứng sửa đổi
Công chứng viên Nguyễn Hồ Phương Vinh nêu ý kiến tại tọa đàm góp ý Luật Công chứng sửa đổi ngày 13-4. Ảnh: NHẪN NAM

Tại đây, các đại biểu đã góp ý nhiều nội dung trong dự thảo Luật Công chứng sửa đổi, trong đó có một quy định tại Khoản 2 Điều 45 dự thảo quy định về thời điểm công chứng phải ghi cụ thể giờ, phút, ngày, tháng, năm.

Ông Trần Văn Châu – Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh Long An, cho rằng “việc bắt buộc lời chứng của công chứng viên phải ghi rõ thời điểm là giờ, phút là còn mang tính hình thức nhiều, phi thực tế, khó thực hiện và mất thời gian”

Theo ông Châu, công chứng là một quy trình, một chuỗi hành vi, một chuỗi thời gian liên tục của các bên tham gia, công chứng viên, văn phòng công chứng từ khâu tiếp nhận hồ sơ, soạn thảo hợp đồng, các bên giao dịch ký tên, công chứng viên phát hành lời chứng, ký tên, đóng dấu, trả hồ sơ…

Như vậy giờ, phút, tức thời điểm trong trường hợp này được hiểu là thời điểm các bên tham gia giao dịch yêu cầu công chứng, tức là từ khâu đầu tiên tiếp nhận hồ sơ, hay là lúc công chứng viên phát hành lời chứng rồi ký tên, hay là lúc văn phòng công chứng đóng dấu vào hợp đồng?

“Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 5 dự thảo có nêu văn bản công chứng có hiệu lực kể từ thời điểm công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. Như vậy thời điểm giờ, phút bắt buộc công chứng viên đưa vào lời chứng hiểu theo hướng này có được hay không?” – ông Châu nêu vấn đề.

Từ đó, ông nêu kiến nghị, thời điểm trong lời chứng của công chứng viên giữ nguyên như Luật Công chứng năm 2014, tức là không đưa vào giờ và phút, “vì đưa vào như vậy mất thời gian, tốn kém và không thể chính xác được, cứ mỗi lần giao dịch lại phải xem đồng hồ”!

Theo Công chứng viên Nguyễn Hồ Phương Vinh (Phòng công chứng số 1, TP.HCM), thời điểm công chứng phải ghi rõ giờ, phút, ngày, tháng, năm sẽ rất khó khăn nếu như hồ sơ công chứng bị kiện và cơ quan điều tra làm việc. Ông Vinh dẫn một vụ việc từng xảy ra tại TP.HCM, công chứng viên “lên bờ xuống ruộng” về việc ghi thời điểm này, tức là thời điểm là thời điểm mà các bên tới nộp hồ sơ, thời điểm ký công chứng…

Ông Vinh đồng tình với ông Châu rằng công chứng là một quá trình kéo dài, không phải xảy ra trong một phút, hai phút mà là một buổi. Vì vậy, ông cho rằng cần định nghĩa rõ thời điểm này là ghi vào lúc nào nếu phải ghi cụ thể giờ, phút.

Về khai thác sử dụng dữ liệu công chứng, ông Vinh đề nghị cần phải có điều luật hoặc giao Chính phủ quy định cụ thể về việc công chứng viên được tiếp cận cơ sở dữ liệu về hộ tịch, vân tay, hình ảnh, sinh trắc học, kể cả theo Luật Căn cước mới là về mống mắt nữa.

“Đây là vấn đề sống còn của công chứng viên. Bản thân tôi từng tham gia tố tụng 5 vụ án liên quan giấy tờ giả. Vì vậy nếu các công chứng viên được chia sẻ các dữ liệu này thì thiết nghĩ vấn nạn giấy tờ giả sẽ triệt để không còn nữa” – ông Vinh nói.

Cạnh đó, các đại biểu cũng nêu nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo xung quanh các vấn đề về quy định độ tuổi hành nghề của công chứng viên; công chứng ngoài trụ sở; công chứng điện tử…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm