Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa có ý kiến giao Bộ GTVT và Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội (QH), nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH, đại biểu QH, hoàn thiện dự thảo luật Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn GTĐB (tách từ Luật GTĐB). Việc này nhằm kịp trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, QH khóa XV, vào tháng 10 năm nay.
Theo tờ trình của Bộ GTVT, do được tách ra từ Luật GTĐB nên để tránh trùng lặp, chồng chéo với dự án Luật Trật tự an toàn GTĐB, Luật Đường bộ sẽ phân định rõ phạm vi điều chỉnh theo hướng Luật Đường bộ quy định về kết cấu hạ tầng GTĐB; phương tiện GTĐB; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ.
Theo đó, Luật Đường bộ còn 6 chương, 95 điều, tức bổ sung mới 54 điều và sửa đổi 40 điều. So với Luật GTĐB năm 2008, dự thảo Luật quy định rõ hơn trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong hoạt động quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ.
|
Sau khi tách luật, Bộ Công an chịu trách nhiệm chính về việc đảm bảo an toàn giao thông. Ảnh minh họa |
Luật Trật tự an toàn GTĐB lấy 2 chương từ Luật GTĐB năm 2008 là chương: Quy tắc GTĐB, người điều khiển phương tiện tham gia GTĐB. Đồng thời, bổ sung thêm 6 chương để nâng số lượng dự luật lên 8 chương và 62 điều.
Các chương và điều luật mới tại dự án Luật Trật tự an toàn GTĐB phần lớn đã được quy định ở các văn bản dưới luật. Điểm mới đáng chú ý của dự luật là việc Bộ Công an chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn GTĐB.
Như vậy, nếu gộp hai dự luật trên thành một luật sẽ bao gồm 14 chương và 154 điều. Tuy nhiên, theo tờ trình của Chính phủ, nếu gộp, tên của luật không phù hợp với nội hàm của luật, việc liên kết các chế định trong các chính sách rất khó khăn; số lượng điều luật lớn dẫn đến việc tiếp cận, tra cứu gặp khó.
Hai dự án luật cũng là sự bổ sung những thiếu hụt về chính sách trong Luật GTĐB. Cụ thể, đó là thiếu hụt về chính sách trật tự, an toàn giao thông (trật tự, an toàn cho người đi đường), chính sách về đầu tư và xây dựng hạ tầng giao thông, kinh doanh vận tải đường bộ.
Chính phủ cũng nghiên cứu ý kiến của đại biểu về việc xây dựng Luật Trật tự an toàn GTĐB thì có xây dựng luật về các lĩnh vực đường thủy, đường sắt, đường không và đường hàng hải hay không.
Qua đó, Chính phủ thấy rằng tai nạn GTĐB phức tạp nhất, chiếm 97% các vụ so với các loại hình giao thông khác, tính chất điều khiển an toàn tham gia giao thông, mật độ giao thông khác nhau và liên quan trực tiếp, hàng ngày với từng người dân nên ưu tiên nghiên cứu xây dựng luật về trật tự, an toàn GTĐB trước. Như vậy, việc có tách tiếp các luật khác hay không vẫn còn bỏ ngỏ.