Quốc hội đang chuyển dần từ phát biểu sang tranh luận

Ông Phúc cho hay: Kỳ họp 3 có khối lượng công việc đồ sộ, Quốc hội (QH) đã thông qua 12 luật, 12 nghị quyết và cho ý kiến sáu dự luật với tinh thần là kỳ họp đầu tiên thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Đây cũng là lần đầu tiên các phiên thảo luận tại nghị trường chuyển từ “QH phát biểu” sang "QH tranh luận” với tinh thần tạo ra một không khí hết sức dân chủ, đổi mới.

“Tại các phiên thảo luận, các đại biểu (ĐB) QH đã tích cực giơ biển tranh luận, không chỉ tranh luận giữa ĐB với thành viên Chính phủ mà còn tranh luận giữa ĐB với ĐB, với đích đến là làm rõ vấn đề để cử tri hiểu và các ĐB cũng hiểu lẫn nhau. Đây là điều tích cực, rất cần phát huy” - Tổng Thư ký QH nói.

Ông cũng cho hay kỳ họp này có điểm mới nằm ở sự điều hành rất linh hoạt của chủ tọa, nhất là việc chủ tọa quyết định kéo dài thêm thời gian thảo luận căn cứ vào thời lượng chương trình. “Ví dụ tại phiên thảo luận cho ý kiến về tình hình kinh tế-xã hội, chủ tọa đã quyết định kéo dài đến 18 giờ 30, tức kéo dài chương trình thảo luận thêm 1,5 giờ, có thêm 15 ĐB phát biểu. Chưa bao giờ có phiên họp nào có tới 93 ĐB đăng ký phát biểu tại một phiên họp. Việc mở thời gian tạo điều kiện cho ĐB phát biểu nhiều hơn" - ông Phúc nói.

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký QH cho hay kỳ họp này QH cũng quyết định kéo dài phiên chất vấn thêm nửa ngày, dành thời gian nhiều hơn cho cả người hỏi lẫn người trả lời để làm rõ vấn đề. Đổi mới này cần phải phát huy trong các kỳ họp sau.

Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc.

QH đã dành phần lớn thời gian để thông qua 12 dự luật, 12 nghị quyết, cho ý kiến sáu dự luật. Riêng đối với dự án Luật Quy hoạch: QH đã thống nhất chưa thông qua tại kỳ họp 3 do dự án luật vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, cần thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến các bộ, ngành chịu sự tác động trực tiếp để hoàn thiện, nâng cao chất lượng và trình QH thông qua tại kỳ họp 4 (sẽ diễn ra vào tháng 10-2017).

Kỳ họp cũng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước như phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015; quyết định tách nội dung thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành dự án thành phần; phê chuẩn đề nghị của chánh án TAND Tối cao về việc bổ nhiệm hai thẩm phán TAND Tối cao đối với ông Lê Hồng Quang và ông Nguyễn Văn Tiến. Đặc biệt, QH đã nghe Ủy ban Thường vụ QH báo cáo về việc cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH khóa XIV đối với ông Võ Kim Cự thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh.

Về giám sát tối cao, kỳ họp đã xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước. Từ đó đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội những tháng cuối năm nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi kế hoạch cả năm 2017; xem xét các báo cáo công tác của chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, của các cơ quan của QH; các báo cáo về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc thực hiện bảo hiểm xã hội, quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội; thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; công tác bảo vệ môi trường…

Đặc biệt, QH đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016”. Đây là nội dung giám sát rất quan trọng, liên quan đến tình hình an toàn thực phẩm rất bức xúc hiện nay, được dư luận và cử tri đặc biệt quan tâm. Thông qua chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2018, trong đó chọn giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016”. Đồng thời kỳ họp đã tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn kéo dài ba ngày (tăng 0,5 ngày)... với 196 lượt ĐBQH đặt câu hỏi, 58 ĐB tham gia tranh luận, một phó thủ tướng, bốn bộ trưởng trả lời chất vấn, ba phó thủ tướng và ba bộ trưởng khác tham gia giải trình thêm các nội dung chất vấn.

TRỌNG PHÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới