Tính tranh luận đã được đẩy lên cao trào đặc biệt là trong phiên thảo luận về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015. Không chỉ quy định liên quan đến người bào chữa phải tố giác tội phạm như được quy định tại khoản 3 Điều 19 của dự luật, mà ngay cả quy định trách nhiệm hình sự đối với trẻ vị thành niên cũng không kém phần hấp dẫn.
Đến mức cả khi Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị sẽ gửi phiếu xin ý kiến đối với quy định về trách nhiệm hình sự trẻ vị thành niên thì Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình vẫn mong muốn nói rõ hơn những nguyên tắc xử lý hình sự với đối tượng đặc biệt này.
Có thể nói rằng cuộc tranh luận giữa những đại biểu là luật sư và các đại biểu khác về quy định người bào chữa phải tố giác tội phạm là cuộc tranh luận nảy lửa nhất.
Tất nhiên nền tảng của mỗi đại biểu là khác nhau nhưng cũng chính từ những nền tảng, góc nhìn khác nhau ấy, cuộc tranh luận mới mang lại những sắc thái mới cho Quốc hội. Chẳng hạn đại biểu Nguyễn Thị Thủy đặt nặng trách nhiệm công dân với quốc gia và dẫn chiếu tội bất trung thời xưa để nói rằng luật sư vẫn phải tố giác thân chủ. Còn đại biểu Trương Trọng Nghĩa lại lấy những quyền con người của bị can, bị cáo để nói rằng: Tư duy phong kiến cần phải được loại bỏ.
Điều đáng quan tâm hơn là việc đại biểu Trương Trọng Nghĩa ngày 24-5 đề nghị Quốc hội dành một ngày thứ Bảy để thảo luận về dự luật quan trọng này do các đại biểu không có nhiều thời gian tiếp cận. Ngay lập tức Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đáp ứng đề nghị rất chính đáng ấy bằng việc tổ chức một hội nghị vào ngày mà Quốc hội lẽ ra được nghỉ, 27-5. Sự “nối dài” tranh luận này là vô cùng cần thiết đối với một bộ luật đặc biệt quan trọng như Bộ luật Hình sự, chí ít là để các đại biểu bày tỏ đến cùng các lý lẽ của mình trước khi bấm nút thông qua.
Khi biết chủ tịch Quốc hội sẽ chủ trì thì chẳng những đại biểu mà đại diện các bộ, ngành liên quan đến dự luật cũng đông người đến dự hơn. Phòng họp Thăng Long vốn chỉ chứa được hơn 30 người dự họp đã trở nên chật chội.
Tại cuộc tranh luận nối dài này, đích thân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng tranh luận lại cả với ba đại biểu là luật sư.
Có lẽ đã khá lâu chúng ta mới cảm nhận được sự tranh luận tại nghị trường lên tới mức hừng hực như thế. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói với chúng tôi rằng đúng là không lường trước hết được sức nóng của vấn đề.
Điều này thật khác xa so với những kỳ họp của Quốc hội trước đây khi mà các đại biểu nêu ý kiến bằng cách… đọc tham luận được xem xét trước.
Một khi tính tranh luận của Quốc hội càng được đẩy lên cao thì cũng có nghĩa là chân lý sẽ ngày càng được tiệm cận.
Tranh luận tới cùng, rõ ràng là cách hữu hiệu nhất để loại bỏ những góc khuất khỏi các đạo luật và quyết sách từ Quốc hội. Điều quan trọng còn lại là sự tranh luận ấy luôn phải được đặt trên những điểm tựa lý lẽ vững chắc, khoa học, với mục tiêu cùng để tìm ra chân lý, chứ không phải là sự cảm tính, nhất thời.