Quốc hội hoàn tất công tác nhân sự với 3 chức danh quan trọng

(PLO)- Quốc hội đã hoàn tất công tác nhân sự với ba chức danh: Tổng Kiểm toán Nhà nước, bộ trưởng Bộ GTVT, bộ trưởng Bộ Y tế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 21-10, sau hai ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ tư Quốc hội (QH) đã bầu, phê chuẩn nhân sự với ba chức danh: Tổng Kiểm toán Nhà nước, bộ trưởng Bộ GTVT, bộ trưởng Bộ Y tế. Đây là những điều chỉnh nhân sự đầu tiên của các cơ quan nhà nước ở trung ương kể từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chúc mừng tân tổng Kiểm toán Nhà nước, bộ trưởng Bộ Y tế, bộ trưởng Bộ GTVT (ôm hoa, từ trái sang). Ảnh: NY

Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chúc mừng tân tổng Kiểm toán Nhà nước, bộ trưởng Bộ Y tế, bộ trưởng Bộ GTVT (ôm hoa, từ trái sang). Ảnh: NY

Chân dung 3 tân “tư lệnh”

Theo đó, Bí thư Ban cán sự đảng - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn (sinh năm 1971) được QH bầu làm tổng Kiểm toán Nhà nước với tỉ lệ tán thành 92,17%.

Ông Tuấn nguyên là bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, được Bộ Chính trị điều động làm bí thư Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước, rồi ủy ban Thường vụ QH bổ nhiệm làm phó tổng kiểm toán phụ trách Kiểm toán Nhà nước khi Tổng kiểm toán đương nhiệm Trần Sỹ Thanh được Bộ Chính trị điều về làm phó bí thư Thành ủy Hà Nội rồi HĐND Hà Nội bầu làm chủ tịch UBND Hà Nội.

Bà Đào Hồng Lan (sinh năm 1971), người đang giữ quyền bộ trưởng Bộ Y tế, cũng được QH phê chuẩn làm bộ trưởng Bộ Y tế với tỉ lệ tán thành 87,15%.

Bà Lan trước đó là bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, được Bộ Chính trị chỉ định làm bí thư Ban cán sự đảng Bộ Y tế, rồi Thủ tướng giao quyền bộ trưởng Bộ Y tế khi người tiền nhiệm, ông Nguyễn Thanh Long, bị khởi tố, bắt giam trong đại án Việt Á.

Nhân sự cuối cùng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1973) được Bộ Chính trị giới thiệu và Thủ tướng trình QH phê chuẩn làm bộ trưởng Bộ GTVT, thay cho người tiền nhiệm Nguyễn Văn Thể, được Bộ Chính trị chấp thuận và QH đồng ý miễn nhiệm khỏi vị trí đứng đầu ngành giao thông, theo nguyện vọng cá nhân và nhu cầu của công tác cán bộ của Đảng.

Ông Thắng được QH phê chuẩn làm bộ trưởng Bộ GTVT với tỉ lệ tán thành 87,15%.

Còn ông Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, sau năm năm giữ chức bộ trưởng (gồm hai năm ở nhiệm kỳ Đại hội XII và gần ba năm ở nhiệm kỳ Đại hội XIII), đã sang nhận nhiệm vụ bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương theo phân công của Bộ Chính trị. Người tiền nhiệm ở đây là ông Huỳnh Tấn Việt.

Cuối tháng 7 vừa rồi, ông Việt bị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật cảnh cáo do những vi phạm từ hồi làm bí thư Tỉnh ủy Phú Yên. Ông là một trong những người đầu tiên xin thôi nhiệm vụ ủy viên Trung ương Đảng theo quy định của Bộ Chính trị và được Ban chấp hành Trung ương chấp thuận tại Hội nghị Trung ương 6, mấy ngày trước khi QH khai mạc kỳ họp thứ tư này.

Khó khăn của ngành y tế rất nhiều và quan trọng nhất là nhận diện được nó để có giải pháp phù hợp.

Các tân bộ trưởng chia sẻ những định hướng lớn

Chia sẻ với báo giới, tân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nói: Quá trình công tác ở ngành ngân hàng hơn 22 năm, tôi thấy nguồn lực trong xã hội là rất lớn. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn chế, quan điểm của tôi là vốn ngân sách làm “mồi”, kèm theo là giải pháp thu hút nguồn vốn ngoài xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

Nhiều công trình, dự án lớn theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã phát huy hiệu quả tốt. Đây chính là kinh nghiệm, là cơ sở để Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thu hút nguồn lực xã hội vào xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án kết cấu hạ tầng giao thông.

Bộ GTVT sẽ tiếp tục tập trung, rà soát các dự án BOT để có giải pháp giúp tháo gỡ những khó khăn, tồn tại, có giải pháp thúc đẩy đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức PPP.

“Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công, bao gồm cả các dự án của bộ, cũng như hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các dự án trong danh mục đầu tư công, nhất là những dự án lớn, có tính chất liên vùng để các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội” - ông Thắng nói.

Còn tân Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thì cho hay đã xác định được một số nhiệm vụ trọng tâm của bộ, trước hết là phải bảo vệ thành quả chống dịch COVID-19. Rồi rà soát hệ thống pháp luật, thể chế của ngành y tế để nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh.

Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ để trình QH cho ý kiến sửa Luật Khám chữa bệnh, Luật Dược, qua đó giải quyết căn cơ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Bộ cũng đang chỉ đạo nghiên cứu, sửa Luật BHXH để mở rộng phạm vi, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. “Chúng tôi cũng đang tích cực phối hợp với Bộ KH&ĐT xem xét bổ sung các quy định liên quan đến đấu thầu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế trong lần sửa Luật Đấu thầu này.

Về chế độ đãi ngộ cho cán bộ y tế, một dự thảo nghị định với những chính sách động viên cán bộ y tế, nhất là cấp cơ sở, tuyến đầu chống dịch và chăm sóc sức khỏe nhân dân đã được Bộ Y tế hoàn tất, chuyển Bộ Tư pháp thẩm định, để trình Chính phủ ban hành.

Trên đây là những giải pháp căn cơ, lâu dài. Còn trước mắt, để tháo gỡ khó khăn về thuốc, vật tư y tế, bộ đã làm việc với các địa phương, có các văn bản chỉ đạo cụ thể. Chúng tôi đang đẩy nhanh tốc độ mua sắm tập trung và đàm phán giá thuốc phần công việc của bộ, đồng thời đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, rà soát các văn bản chưa phù hợp để điều chỉnh kịp thời…

Khó khăn của ngành y tế rất nhiều và trên nhiều lĩnh vực. Là người ngoài ngành mới về, tôi xác định quan trọng nhất là nhận diện được vấn đề khó khăn gì, nằm ở đâu, ở quản lý nhà nước hay vấn đề thực thi, nằm ở chuyên môn hay quản lý để có giải pháp phù hợp.

Về chuyên môn, tôi rất tin tưởng đội ngũ lãnh đạo của bộ, cán bộ các vụ, cục, lãnh đạo các bệnh viện, chuyên gia. Chúng tôi tự hào là chuyên gia ngành y chúng tôi rất giỏi. Anh em có thể giúp tôi trong vấn đề chuyên môn. Còn về nhiệm vụ quản lý thì tôi cùng với tập thể lãnh đạo bộ, đội ngũ cán bộ của ngành cố gắng tháo gỡ từng khó khăn...” - bà Lan cho biết.

Đại biểu QH HOÀNG CƯỜNG, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội:

Không xuất thân từ trong ngành sẽ tránh đi vào lối mòn

Hai nhân sự mới cho Bộ GTVT và Bộ Y tế đều trẻ. Những người trẻ thường là người xông xáo, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới. Nhất là trong bối cảnh hai ngành này có rất nhiều thách thức thì lãnh đạo ngành cần có rất nhiều quyết tâm cao và mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm.

Không xuất thân từ ngành y tế, giao thông, cả hai có thể sẽ không đi vào lối mòn của nhân sự tại chỗ và sẵn sàng cho đổi mới, với tư duy mới.

Tôi nghĩ tân bộ trưởng Bộ Y tế từ góc nhìn một nhà quản lý kinh tế thì hãy xử lý vấn đề của ngành mình theo các nguyên tắc kinh tế. Còn Bộ GTVT áp lực rất lớn về công việc lớn thì đừng nghĩ rằng đó là công việc riêng của bộ mà cần phân cấp, ủy quyền cho địa phương, cho các đơn vị khác.

..............................

Đại biểu QH PHẠM KHÁNH PHONG LAN:

Người ngoài cuộc thường sáng suốt hơn

Những tồn đọng, yếu kém của ngành y tế là tồn tại từ nhiều năm, qua nhiều đời bộ trưởng chứ không phải lỗi của riêng ai. Vì vậy, tôi rất thông cảm và chia sẻ, bất kỳ ai nhận trọng trách này cũng rất áp lực.

Có ý kiến cho rằng tân bộ trưởng Bộ Y tế hiện nay không có chuyên môn, đó cũng là một lo ngại, cũng là sự đáng tiếc nhưng điều đó không có nghĩa là không có chuyên môn thì không làm được.

Ở góc nhìn khác, đôi khi bộ trưởng không phải là chuyên môn trong ngành thì sẽ dũng cảm để quyết định những vấn đề như người ta vẫn nói là “người ngoài cuộc thường sáng suốt hơn”.

Một vấn đề rất quan trọng là tân bộ trưởng phải đoàn kết được sức mạnh nội bộ, sử dụng và phát huy tốt chất xám trong ngành. Các bác sĩ của chúng ta ở các bệnh viện rất giỏi nhưng có ai dám phát huy cái gì không? Nếu không người ta sẽ tự hài lòng trong lối mòn, quy định, cơ chế cũ kỹ, lạc hậu và người dân là người phải trả giá khi chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng của ngành đi xuống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm