Ông Phan Trung Lý (Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội) báo cáo thẩm tra về dự Luật Trưng cầu ý dân. LÊ PHI
Sáng 28-5, báo cáo trước Quốc hội về Luật trưng cầu ý dân, ông Nguyễn Văn Quyền (Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam Luật) cho rằng, luật này đã được xác định trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước. Điều 29 Hiến pháp cũng xác định rõ: “Nhân dân có quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”.
Cũng theo ông Quyền, trưng cầu ý dân là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể.
Báo cáo thẩm tra dự luật này, ông Phan Trung Lý (Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội) tán thành sự cần thiết ban hành Luật trưng cầu ý dân nhằm kịp thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý cho người dân tham gia vào các công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước.
Tuy nhiên, cần xác định cụ thể những vấn đề nào phải đưa ra trưng cầu ý dân phụ thuộc vào yêu cầu và điều kiện hoàn cảnh tại từng thời điểm nhất định. Do đó, trong Luật nên quy định một cách khái quát, mang tính nguyên tắc những vấn đề có thể được đề nghị đưa ra trưng cầu ý dân
Ông Phan Trung Lý (Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội), đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa những việc mà Quốc hội có thể quyết định trưng cầu ý dân, tránh quy định chung chung, khó cho việc thực hiện sau này. Đề nghị trong Luật chỉ quy định phạm vi trưng cầu ý dân trên toàn quốc mà không tiến hành ở phạm vi địa phương.
Theo đó, “Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp hoặc về những vấn đề quan trọng khác theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội”
Tuy nhiên, nếu quy định tỷ lệ tham gia và tán thành của cử tri quá cao (quá hai phần ba) đối với một vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân thì không khả thi. Thậm chí nếu tổ chức không tốt có thể dẫn đến tình trạng thúc ép cử tri đi bỏ phiếu hoặc cử tri đi bầu hộ, bầu thay. Như vậy, sẽ làm giảm sút ý nghĩa của việc trưng cầu ý dân với tư cách là một hình thức để người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của mình.