Quốc hội Mỹ sốt ruột chuyện lãi suất

(PLO)- Việc Fed tăng lãi suất liên tục và giữ mức cao trong thời gian dài không chỉ tác động mạnh đến kinh tế nước này mà cả toàn cầu, Quốc hội Mỹ đã thể hiện sự sốt ruột.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sức khỏe và các diễn biến nền kinh tế Mỹ được thế giới theo dõi vì tác động rõ đến kinh tế toàn cầu.

Từ tháng 3-2022 đến tháng 11-2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã 11 lần tăng lãi suất nhằm kìm hãm lạm phát. Việc Fed tăng lãi suất liên tục và giữ mức cao trong thời gian dài đã cho thấy hiệu quả kìm hãm lạm phát nhưng đồng thời cũng khiến hoạt động kinh tế Mỹ bị co cụm, đình trệ. Quốc hội Mỹ đã cho thấy sự sốt ruột khi Fed mãi chưa quay đầu giảm lãi suất, theo đài CNBC.

Khả năng Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào giữa tháng 6 tới, Công ty dịch vụ tài chính CME Group (Mỹ) dẫn dự đoán của nhiều chuyên gia, nhà giao dịch tài chính.

Sốt ruột nền kinh tế bị áp lực kéo dài

Với 11 lần tăng, tính tới thời điểm hiện tại, Fed đã đẩy mức lãi suất tại Mỹ lên mức cao nhất trong vòng 23 năm (5,25%). Nhờ vậy, lạm phát tại Mỹ đã giảm từ mức đỉnh 9,1% (ghi nhận hồi tháng 6-2022) xuống còn 2,7% vào tháng 1 năm nay.

Dù lạm phát đã giảm mạnh, song việc lãi suất tăng liên tục và ở mức cao đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ. Lãi suất cao khiến doanh nghiệp ngại vay vốn đầu tư, ảnh hưởng đến khả năng sản xuất và làm giảm tốc độ tăng trưởng chung. Bên cạnh đó, người dân cũng hạn chế chi tiêu hơn do gánh nặng lãi suất cao, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tiêu dùng và thị trường tài chính, theo đài CNN. Giới quan sát lo ngại rằng việc Fed duy trì lãi suất cao trong thời gian dài có thể đẩy kinh tế Mỹ và toàn cầu rơi vào suy thoái.

Sốt ruột và lo ngại viễn cảnh này, Quốc hội Mỹ tuần rồi đã triệu tập Chủ tịch Fed - ông Jerome Powell điều trần về khả năng Fed cắt giảm lãi suất nhằm giảm bớt áp lực và tổn thất cho nền kinh tế. Trong hai ngày điều trần trước Ủy ban Dịch vụ tài chính Hạ viện và Ủy ban Ngân hàng thuộc Thượng viện, ông Powell nhận các câu hỏi xung quanh thời điểm Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất. Nhiều nghị sĩ kêu gọi Fed tính toán sớm bắt đầu giảm lãi suất cơ bản để giúp giảm lãi suất thế chấp, đưa giá nhà về mức phải chăng hơn.

Ảnh bài chính P16 đăng 13-3-2024-Quốc hội Mỹ sốt ruột vụ lãi suất.png
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell điều trần trước Ủy ban Dịch vụ tài chính Hạ viện hôm 6-3. Ảnh: AP

Chờ “thời điểm thích hợp” trong năm nay

Tại hai phiên điều trần, ông Powell nói thẳng rằng với các dữ liệu kinh tế hiện tại ở Mỹ thì Fed chưa đủ tự tin để giảm lãi suất. Fed vẫn giữ mục tiêu kéo lạm phát xuống mức 2%, song theo ông Powell, với “triển vọng kinh tế không chắc chắn” hiện tại thì “tiến trình hướng tới mục tiêu lạm phát 2% không được đảm bảo”. Ông Powell nói rõ rằng ủy ban ấn định lãi suất của Fed sẽ chỉ bắt đầu giảm lãi suất một khi “có được niềm tin lớn hơn rằng lạm phát đang di chuyển bền vững ở mức 2%”.

Giới quan sát đánh giá rằng dữ liệu gần đây cho thấy con đường đưa lạm phát xuống mức 2% khả năng còn nhiều gập ghềnh. Tuy nhiên, ông Powell đề cập sẽ có “một thời điểm phù hợp” trong năm nay để bắt đầu cắt giảm lãi suất, với điều kiện kinh tế khởi sắc rộng rãi như mong đợi.

Trước đó, tháng 12-2023, các nhà hoạch định chính sách của Fed đề cập sẽ có ba đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, song không cho biết thời điểm cụ thể.

Dự báo cụ thể hơn, ông Tom Graff - Giám đốc Công ty đầu tư Facet (Mỹ) cho rằng “dựa trên các tín hiệu tích cực từ thị trường như sự ổn định của thị trường việc làm, mức tăng trưởng kinh tế đều đặn và thị trường tiêu dùng điều hòa, khả năng cao Fed sẽ không tăng lãi suất thêm trong năm nay”. Ngược lại, “Fed có thể sẽ thực hiện 2-4 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ thị trường tài chính và giảm bớt gánh nặng nợ nần” - theo chuyên gia này.•

Châu Âu cũng cần quan sát thêm

Tại cuộc họp chính sách tuần rồi, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) - bà Christine Lagarde cho biết khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã đạt nhiều thành tựu trong việc chống lạm phát. Tuy nhiên, đến nay ECB vẫn chưa tự tin ra quyết định giảm lãi suất vì cần thêm thời gian quan sát, theo đài CNBC.

“Chúng tôi cần thêm thời gian để đánh giá tác động của lãi suất tới thị trường. Trong tháng 4 chúng tôi sẽ có thêm nhiều thông tin và đến tháng 6 chúng tôi có thể sẽ ra quyết định mới về lãi suất” - bà Lagarde nói.

Phát biểu của bà Lagarde khiến giới quan sát tin rằng khả năng cao ECB sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tháng 6 năm nay.

Tại Anh, ba nhà quan sát thị trường lớn gồm Công ty tư vấn Oxford Economics, Công ty phân tích tài chính Investec và Ngân hàng đầu tư Deutsche Bank đánh giá rằng với những dữ liệu tích cực từ thị trường, lạm phát tại Anh sẽ ở mức dưới 2% trong tháng 4 và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có khả năng sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong vài tháng tới.

“Gần như chắc chắn các ngân hàng trung ương lớn sẽ đồng loạt giảm lãi suất trong năm nay. Điều cần quan tâm là họ sẽ giảm nhanh thế nào và khi nào sẽ bắt đầu” - ông Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng tại Công ty tư vấn chiến lược toàn cầu EY-Parthenon (Mỹ), nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm