Chiều 28-5, Quốc hội đã thảo luận tổ về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Một trong những nội dung được nhiều ĐB cho ý kiến là điều khoản tạm hoãn xuất cảnh (điều 28, dự thảo) làm sao hạn chế được những vụ người phạm tội chưa bị khởi tố bỏ trốn ra nước ngoài giống như vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ “nhôm”… hay gần đây nhất là ông chủ của Nhật Cường mobile…
Theo ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), thời gian qua, có một số người đang trong quá trình bị điều tra, xử lý; bị các cơ quan tố tụng xem xét xử lý tin báo tố giác tội phạm như trường hợp Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm), Trịnh Xuân Thanh, ông chủ Nhật Cường mobile. Tuy nhiên họ đã bỏ trốn trước ngày cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố vụ án, bị can.
Từ đó bà nhấn mạnh đây là những trường hợp đáng lưu ý mà dự luật phải được điều chỉnh.
Bà phân tích: Trình tự thủ tục tạm hoãn xuất cảnh (quy định tại điều 29, 31 dự luật) khá “tốn thời gian”, trong khi thời đại 4.0 hoàn toàn có đủ điều kiện có thể thông báo “tức thời” đến các cơ quan có thẩm quyền hạn chế xuất cảnh đối với các đối tượng tên bằng “điện thoại, điện tín, hay biện pháp nghiệp vụ”.
“Cần phải luật hoá để cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thực hiện ngay tại cửa khẩu. Nếu văn bản có thẩm quyền chưa tới nơi, đang gửi hoả tốc theo đường công văn thì đối tượng đã trốn thoát ra khỏi biên giới rồi thì không còn có ý nghĩa gì” – bà Hoa nói.
Cũng đề cập đến các trường hợp bỏ trốn trên, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng với những trường hợp đã nằm trong chuyên án, đưa vào diện điều tra thì không thể thả lỏng, phải có trinh sát nội ngoại tuyến, dự phòng trường hợp cấm xuất nhập cảnh với những đối tượng này.
“Theo tôi, tất cả những đối tượng liên quan đến vụ án đang trong quá trình điều tra, thì phải áp dụng biện pháp khẩn cấp, cấm xuất cảnh, đề phòng đối tượng bỏ trốn. Vì thực tiễn đã xảy ra rồi, toàn đối tượng có dấu hiệu tội phạm trốn đi. Đây là sơ hở vô cùng lớn, làm nhà nước mất nhiều tiền của, công sức, dư luận không tin tưởng vào hoạt động của chúng ta. Cần bổ sung quy định để bịt kẽ hở này”, ông nói.
Dẫn quy định về hạn chế xuất cảnh tại khoản 1, điều 28 dự thảo luật, ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng quy định này “vừa thừa, vừa thiếu”. Ông lấy ví dụ những đối tượng như Trịnh Xuân Thanh, ông chủ Nhật Cường mobile bỏ trốn thời gian vừa qua đều không nằm ngoài quy định trên vì “chưa bị khởi tố vụ án, chưa bị bắt, chưa bị tạm giữ và cũng chưa có đơn tố giác”.
Trong tình huống này rõ ràng vụ việc rất nghiêm trọng như thế thì người ta vẫn xuất cảnh, vẫn trốn đi được. "Tôi cho rằng luật này phải xử lý được những trường hợp mà dư luận rất quan tâm. Về mặt pháp lý chưa có bất cứ quyết định gì nhưng về mặt thực tế nếu những trường hợp này không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, không có biện pháp hoãn xuất cảnh thì chắc chắn sẽ trốn, trốn thì sẽ xảy ra rất nhiều hệ lụy mà dư luận vô cùng bức xúc” – ĐB Hiển nói.
Các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh (theo dự thảo) 1. Bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. 2. Người mà Tòa án đã có quyết định xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc quyết định dẫn độ đã có hiệu lực pháp luật và có căn cứ cho rằng người đó bỏ trốn hoặc gây khó khăn, cản trở việc xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc thi hành quyết định dẫn độ. 3. Người đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự, dân sự, kinh tế; quyết định của Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh quốc gia, Hội đồng trọng tài. 4. Người có nghĩa vụ trong vụ án dân sự, kinh tế, hành chính nếu có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, vụ việc, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc việc thi hành án. 5. Người đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế, trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó theo quy định của pháp luật. 6. Phương án 1: Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm; Phương án 2: Bỏ quy định này vì đã có pháp luật chuyên ngành về phòng, chống bệnh truyền nhiễm điều chỉnh. 7. Vì lý do quốc phòng, an ninh. |