Quốc hội sẽ khảo sát thực tế tại dự án hồ thủy lợi Ka Pét

(PLO)- Trước thông tin dư luận và báo chí, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội sẽ khảo sát thực tế dự án hồ thủy lợi Ka Pét.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên quan đến dự án xây dựng hồ thủy lợi Ka Pét trên hơn 600 ha đất rừng tại tỉnh Bình Thuận, chiều 6-9, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (QH), đã có những trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về dự án này.

Quy trình thẩm tra dự án đúng quy định

Bà Thủy khẳng định, quy trình thẩm tra dự án hồ chứa nước Ka Pét được thực hiện rất chặt chẽ, đúng quy định pháp luật. Theo đó, vào tháng 5-2019, tại kỳ họp thứ tám QH khóa XIV, QH đã thông qua chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận.

Theo bà Thủy, quá trình thẩm tra hồ sơ trình của Chính phủ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH nhận thấy Chính phủ đã thực hiện hồ sơ rất chặt chẽ và đúng theo các quy định pháp luật. Theo đó, Chính phủ đảm bảo tính chính xác về các số liệu cũng như đầy đủ thành phần hồ sơ, các bước thẩm tra để trình hồ sơ.

Đoàn khảo sát thực địa của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận ngày 6-9. Ảnh: VÕ TÙNG

Đoàn khảo sát thực địa của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận ngày 6-9. Ảnh: VÕ TÙNG

Mặt khác, trước khi trình, Chính phủ cũng có hội đồng thẩm định chặt chẽ và tỉnh Bình Thuận đã thuê đơn vị chuyên môn khảo sát, đánh giá, thống kê rừng theo quy định. Khi thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra trên hồ sơ Chính phủ trình. Do đó, Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm về các số liệu trong dự án. Trước đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH từng cùng với một số nhà khoa học vào Bình Thuận khảo sát một điểm tại dự án.

“Về nguyên tắc, QH không chịu trách nhiệm về vấn đề này mà chỉ giám sát, thẩm tra trên hồ sơ, số liệu Chính phủ trình. Chính phủ phải chịu trách nhiệm về vấn đề này” - bà Thủy nói.

Liên quan đến các thông tin dư luận và phản ánh của các cơ quan báo chí, phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH khẳng định: “Chắc chắn chúng tôi sẽ có buổi khảo sát thực tế tại dự án”.

Quá trình điều chỉnh chủ trương dự án

Vào tháng 5-2023, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH đã có báo cáo thẩm tra liên quan đến dự án này. Theo đó, trong hai ngày 7 và 8-3, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH đã tổ chức khảo sát thực tế tình hình triển khai thực hiện dự án này.

Sau đó, cơ quan này đã tổ chức phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án. Ngày 15-3-2023, tại phiên họp lần thứ 21, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến về dự án. Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ QH về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH&ĐT phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận giải trình, tiếp thu làm rõ một số nội dung trong dự án.

“Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận thấy Chính phủ đã thực hiện hồ sơ rất chặt chẽ và đúng theo các quy định pháp luật.”

Ngày 10-5-2023, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức phiên họp toàn thể ủy ban để thẩm tra chính thức dự án. Trên cơ sở báo cáo tham gia thẩm tra của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH, ý kiến tại phiên họp, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Trong các nội dung điều chỉnh, diện tích sử dụng đất của dự án lên gần 698 ha (tăng gần 4,5 ha so với phê duyệt ban đầu). Trong đó, đất có rừng khoảng 620 ha, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất nằm ngoài quy hoạch ba loại rừng.

Cũng theo báo cáo, đã có 77 lượt đại biểu QH góp ý tại tổ và 11 lượt ý kiến góp ý tại hội trường về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này. Sau đó, dự án hồ chứa nước Ka Pét đã được QH biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tại Nghị quyết 101/2023, thời gian hoàn thành dự án là cuối năm 2025.

“Dự án hồ thủy lợi Ka Pét cũng rất cần thiết”

Về những băn khoăn của dư luận trước việc chuyển đổi hơn 600 ha rừng để làm hồ thủy lợi, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi phải đổi rừng để lấy hồ chứa nước. Tuy nhiên, bà Thủy cũng cho rằng hồ thủy lợi đối với Bình Thuận cũng rất cần thiết.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

“Khu vực dự án là vùng khô hạn nhất nhì cả nước. Mùa mưa, nước ồ ạt nhưng chảy thẳng xuống biển, không có chỗ chứa lại. Mùa khô thì thiếu nước và một năm chỉ sản xuất được vài tháng. Việc xây dựng hồ chứa nước Ka Pét là rất cần thiết, quan trọng. Ngoài việc giữ được nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, còn điều tiết nước, cắt giảm lũ cho hạ du” - bà Thủy nhấn mạnh.

Bà Thủy cho rằng việc giữ rừng hay không giữ để làm dự án đều có những ưu điểm, nhược điểm khác nhau và khi Chính phủ lựa chọn phương án làm hồ thủy lợi cũng đã kèm theo điều kiện là phải trồng rừng thay thế với diện tích gấp ba lần. Cụ thể, để lấy hơn 600 ha rừng làm dự án thì phương án đưa ra là phải trồng hơn 1.844 ha rừng mới thay thế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm