Ngày này của 75 năm trước (2-9-1945), trên lễ đài của Quảng trường Ba Đình lịch sử, Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã vang lên giữa trời thu Hà Nội.
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Ảnh tư liệu
Kết thúc Tuyên ngôn là lời thề thiêng liêng của cả dân tộc “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” với biển người cùng đồng thanh hô vang “Xin thề”.
Lời thề của Mùa Thu Cách mạng 75 năm trước đã đi theo các thế hệ người Việt Nam “Thà chết không chịu làm nô lệ” với biết bao hi sinh, mất mát để đất nước có hòa bình, độc lập, thống nhất hôm nay.
Lời thề ấy là lời hiệu triệu, động viên, khích lệ cả dân tộc Việt Nam không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai cấp cùng đứng dậy chung một bóng cờ để đấu tranh giành độc lập và thống nhất Tổ quốc.
Từ lời thề của mùa thu năm ấy, cùng với toàn thể dân tộc Việt Nam, rất nhiều nhân vật thuộc “tầng lớp trên” đã đi theo cách mạng.
Đó là những quan lại của triều đình phong kiến như: Khâm sai đại thần Phan Kế Toại, là tham tri Đặng Văn Hướng, là Thượng thư Bùi Bằng Đoàn, là Đổng Lý ngự tiền của nhà vua - Phạm Khắc Hòe… Đó là những nhân sĩ, trí thức tiêu biểu như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, “Vua Mèo” Vi Văn Định, Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Huyên, Tôn Thất Tùng, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Luyện…
Lịch sử sẽ mãi mãi nhớ về tấm gương hi sinh vì nước, vì dân của liệt sĩ - Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố.
Lịch sử cũng không quên ba cha con tiến sĩ y khoa Nguyễn Văn Luyện đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hi sinh để bảo vệ Hà Nội mùa Đông năm 1946…
Và rất nhiều, rất nhiều những người Việt Nam yêu nước đã hi sinh trong cuộc chiến đấu giành tự do và độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Biển người đổ về Quảng trường Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Ảnh tư liệu
Lịch sử sẽ còn mất rất nhiều công sức để giải mã vì đâu mà những trí thức “Tây học” được chính người Pháp đào tạo nhưng lại đứng về phía nhân dân để chống lại quân Pháp xâm lược. Vì đâu mà biết bao những nhân sĩ, trí thức nổi tiếng đã từ bỏ cuộc sống giàu sang phú quý để cùng chịu chung khổ đau với dân tộc mình trong quá trình đấu tranh giành độc lập và thống nhất Tổ quốc.
Là một dân tộc yêu chuộng hòa bình và công lý, trước nguy cơ xảy ra chiến tranh, nhân dân Việt Nam đã làm đủ mọi cách có thể làm được để chiến tranh không xảy ra.
Thế nhưng, là một dân tộc “Thà chết, không chịu làm nô lệ”, nhân dân Việt Nam đã buộc phải cầm súng chiến đấu để giành độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Tinh thần ấy đã theo dân tộc Việt Nam đi suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, đặc biệt sau ngày Cách Mạng tháng Tám đến nay. Mỗi khi Tổ quốc bị lâm nguy, gần như triệu triệu con tim của người Việt đã cùng chung nhịp đập, cùng chung quyết tâm.
Thế giới và khu vực đang chứng kiến nhiều biến động tác động không nhỏ đến việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của của Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ đang đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi tinh thần đoàn kết của cả dân tộc - tinh thần của Cách Mạng tháng Tám năm 1945.
75 năm ngày lập quốc, chúng ta lại nghe vang vọng bên tai lời thề vang lên từ Quảng trường Ba Đình lịch sử: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.