3 mục tiêu trong việc thử tên lửa của Triều Tiên

Ngày 9-5, CHDCND Triều Tiên có thêm một đợt phóng tên lửa nữa chỉ trong năm ngày. Lần này Triều Tiên phóng hai tên lửa tầm ngắn. Theo Bộ Tổng tham mưu liên quân Hàn Quốc, hai tên lửa Triều Tiên bay xa 420 km và 270 km, sau đó rơi xuống biển Nhật Bản, vùng biển cách TP Vladivostok (Nga) gần 100 km.

Trước đó, ngày 4-5, Triều Tiên cho thử một số loại vũ khí mà theo truyền thông Triều Tiên là “các bệ phóng hỏa tiễn tầm xa nòng lớn và các loại vũ khí dẫn đường chiến lược”. Tuy nhiên, phân tích hình ảnh vụ thử, nhiều chuyên gia vũ khí cho rằng Triều Tiên có thể đã thử một loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới, hiện đại hơn, về lý thuyết có khả năng chở đầu đạn hạt nhân. Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, vụ thử này nhằm kiểm tra khả năng “phản ứng nhanh” của quân đội Triều Tiên. Đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong-un giám sát và hài lòng với vụ thử. KCNA ngày 9-5 cho biết ông Kim ra lệnh quân đội chuẩn bị một cuộc diễn tập tấn công tầm xa.

Sốt ruột với đàm phán liên Triều

Giới phân tích nhận định chuyện Triều Tiên thử vũ khí gì không đáng ngại bằng thực tế quốc gia này khôi phục thử tên lửa sau gần hai năm tạm ngưng. Vậy Triều Tiên muốn gì khi liên tục thử vũ khí trong năm ngày?

Theo chuyên gia về các vấn đề quốc phòng và đối ngoại, nhà báo Nick Schifrin của đài PBS, bước đi của Triều Tiên nhắm đến ba mục tiêu rõ ràng.

Thứ nhất, Triều Tiên gửi thông điệp đến người dân và các quan chức trong nước có thể đang nghi ngờ về tiến trình ngoại giao mà chính phủ nước này đang thực hiện với Mỹ, rằng Triều Tiên vẫn có thể cứng rắn với Mỹ.

Thứ hai là thông điệp gửi ra bên ngoài, rằng Triều Tiên đang thất vọng và phát đi cảnh báo. Cảnh báo đầu tiên là gửi đến Hàn Quốc, theo chuyên gia nghiên cứu Jenny Town thuộc tổ chức phi chính phủ vì hòa bình và an ninh quốc tế trung tâm Stimson (Mỹ). Ông Kim được cho là không hài lòng với tiến trình đối thoại chậm chạp giữa hai nước dù năm ngoái lãnh đạo hai bên có đến ba cuộc gặp thượng đỉnh; và cả việc Hàn Quốc cho phép Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ mình. Có lẽ ông Kim hy vọng việc thử vũ khí sẽ thúc giục được Hàn Quốc đẩy nhanh đối thoại về việc hợp tác kinh tế.

Tuy nhiên, theo bà Town, vụ thử có thể sẽ có tác dụng ngược. Với vụ thử này, Triều Tiên có thể không vi phạm lời hứa với ông Trump nhưng nhìn từ mặt nào đó, ông Kim đã vi phạm lời hứa không làm gia tăng căng thẳng với Hàn Quốc. Hơn nữa, loại vũ khí Triều Tiên vừa thử là loại vũ khí có khả năng mới - có thể mang cả đầu đạn thông thường lẫn đầu đạn hạt nhân và có thể sẽ gây áp lực buộc Hàn Quốc gia tăng tập trận quân sự với Mỹ - hoạt động Triều Tiên lâu nay phản đối.

“Vũ khí dẫn đường chiến thuật” mà Triều Tiên thử ngày 4-5 tương tự tên lửa Iskander của Nga. Ảnh: KCNA

Muốn Mỹ nhượng bộ

Thông điệp tiếp theo và quan trọng nhất Triều Tiên muốn gửi đến Mỹ. Trao đổi với đài KBS, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng cho rằng các động thái thử tên lửa là một cách thể hiện sự không hài lòng của Triều Tiên với cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ. Theo ông Moon, các vụ thử có thể là cách Triều Tiên gây áp lực và lèo lái cuộc đàm phán hạt nhân “về đúng hướng họ muốn”, cũng như “mong muốn cuộc đàm phán được khôi phục sớm”. Tờ The New York Times dẫn ý kiến phân tích cho rằng Triều Tiên muốn leo thang căng thẳng, làm áp lực để kéo Mỹ quay lại bàn đàm phán trong tâm thế chấp nhận nhượng bộ trừng phạt.

521 ngày là thời gian Triều Tiên ngưng thử tên lửa, kể từ sau đợt thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-5 ngày 29-11-2017 đến ngày xảy ra vụ thử mới ngày 4-5. 

Việc ngưng thử tên lửa của Triều Tiên thời gian qua là yếu tố quan trọng nhất tạo điều kiện cho Mỹ và Triều Tiên xích lại gần nhau. Đài Fox News cho rằng đây có thể là tín hiệu cho thấy cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên thực sự gặp vấn đề. Hãng tin CNN thì lo ngại việc Triều Tiên khôi phục hoạt động này có thể khiến Mỹ phải thay đổi hướng đi. Trao đổi với báo chí từ Nhà Trắng ngày 9-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông “không vui” với động thái quân sự gần đây của Triều Tiên, đồng thời cho biết Mỹ đang theo dõi tình hình “rất nghiêm túc”.

Ngày 9-5, chỉ 10 phút sau khi có thông tin Triều Tiên thử tên lửa lần hai, không quân Mỹ đã cho phóng thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III từ căn cứ không quân Vandenberg ở bang California. Tên lửa Minuteman III bay xa 6.750 km từ California đến Thái Bình Dương, theo xác nhận của không quân Mỹ. Vài giờ sau đó, hải quân Mỹ phóng một tên lửa đạn đạo Trident II không mang đầu đạn từ tàu ngầm USS Rhode Island lớp Ohio ở bờ biển bang Florida. Fox News dẫn một số nguồn tin quan chức Mỹ cho biết tên lửa bay xa hơn 11.000 km.

Bộ Tư pháp Mỹ thông báo nước này lần đầu tiên bắt một tàu hàng của Triều Tiên vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ và của quốc tế. Vụ bắt tàu này nằm trong một kế hoạch lớn hơn nhằm thi hành trừng phạt quốc tế và tối đa hóa trừng phạt để Triều Tiên từ bỏ hạt nhân.

Tuy nhiên, vào ngày 10-5, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun nói cửa vẫn mở cho Bình Nhưỡng trở lại với đàm phán hạt nhân. Theo chuyên gia Schifrin, sở dĩ ông Trump và các cố vấn không làm lớn vụ Triều Tiên thử vũ khí vì đây không phải là ICBM có thể đe dọa Mỹ và việc thử này không phải là sự vi phạm lời hứa của ông Kim. Năm ngoái nhà lãnh đạo này chỉ hứa Triều Tiên ngưng thử hạt nhân và ICBM, mà loại vũ khí Triều Tiên vừa thử không thuộc hai loại này. Thử tên lửa cũng không được đề cập trực tiếp trong tuyên bố chung mà hai ông Trump và Kim đã ký trong lần gặp thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore hồi năm ngoái.

Chuyên gia quốc phòng tên lửa Michael Elleman nói vũ khí Triều Tiên phóng tương tự tên lửa đạn đạo Iskander của Nga và khó bị đánh chặn. Tên lửa Iskander bay ở tầm cao khoảng 48 km, quá cao so với khả năng đánh chặn của tên lửa đánh chặn đất đối không Patriot của Mỹ nhưng lại quá thấp so với khả năng đánh chặn của hệ thống THAAD mà Mỹ lắp đặt ở Hàn Quốc. Vì vậy, đây sẽ là một thách thức lớn nghiêm trọng với lực lượng phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Trong khi đó, theo chuyên gia Mỹ Jeffrey Lewis, vũ khí Triều Tiên đã thử có vẻ cũng có chi tiết tương đồng với loại tên lửa Grom-2 của Ukraine và tên lửa Hyunmoo-2 của Hàn Quốc. Theo chuyên gia Lewis, bất kể Triều Tiên phát triển vũ khí mình từ nguyên mẫu nào thì vũ khí này cũng quy mô hơn và nguy hiểm hơn nguyên mẫu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm