Hôm 9-9, Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM-53) do Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh chủ trì đã chính thức khai mạc thông qua hình thức trực tuyến với sự tham dự của 28 đoàn các nước thành viên và đối tác.
Sau AMM-53 đến hết ngày 12-9 sẽ lần lượt diễn ra thêm một số hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN khác như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 27, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 10 hay Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN cùng ba đối tác Trung Quốc (TQ), Hàn Quốc và Nhật (ASEAN+3) lần hai.
Tình hình đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng tiêu cực của nó lên kinh tế và xã hội các nước ASEAN cũng là một vấn đề yêu cầu toàn khối phải nhanh chóng phối hợp giải quyết.
ASEAN giữa cạnh tranh Mỹ - Trung
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters một ngày trước đó, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã lên tiếng cảnh báo cả Washington lẫn Bắc Kinh đừng nên tìm cách lôi kéo ASEAN vào cuộc đối đầu giữa hai cường quốc này. Ông khẳng định ASEAN kiên quyết giữ vững lập trường trung lập, không chọn phe và kêu gọi các bên có mâu thuẫn tìm cách đối thoại, đàm phán trong hòa bình.
Mở đầu bằng tuyên bố bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông của TQ vào tháng 7, Mỹ thời gian qua dồn dập gây sức ép với Bắc Kinh bằng hàng loạt động thái cứng rắn trên nhiều lĩnh vực. Gần đây nhất, Bộ Thương mại Mỹ ngày 26-8 đã công bố danh sách 24 công ty TQ bị trừng phạt do “hỗ trợ Bắc Kinh xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo chiếm đóng trái phép ở Biển Đông”. Hàng loạt cuộc tập trận giữa Mỹ và các đồng minh, đối tác cũng được tổ chức với cuộc tập trận chung 30 nước vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) vừa kết thúc hôm 31-8.
Về phía TQ, các báo cáo về việc TQ tông chìm tàu cá, đưa tàu khảo sát xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế các nước liên tiếp xuất hiện trong nhiều tháng qua. Đỉnh điểm là vụ phóng hai tên lửa đạn đạo đối hạm DF-26B và DF-21D ra vùng biển phía đông nam tỉnh Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ngày 26-8 để “dằn mặt” lực lượng Mỹ ngoài thực địa.
Đáng ngạc nhiên hơn là sau tất cả hành động đe dọa ổn định khu vực, vi phạm luật pháp quốc tế nói trên, TQ vẫn còn muốn lôi kéo ASEAN bằng những lời cam kết hợp tác cùng phát triển hướng tới thịnh vượng chung. Đơn cử, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đưa tin trong cuộc gặp đại sứ các nước ASEAN ngày 4-9, Thứ trưởng Ngoại giao TQ La Chiếu Huy tuyên bố chính Mỹ mới là nước gây rối ở Biển Đông, kêu gọi ASEAN hợp tác với Bắc Kinh thúc đẩy cái gọi là “hòa bình, ổn định và tự do thương mại, chủ nghĩa đa phương”, những giá trị mà Bắc Kinh đã chứng minh hết lần này đến lần khác là sẽ sẵn sàng gạt bỏ nếu có lợi ích riêng.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị AMM-53 trực tuyến tại thủ đô Hà Nội ngày 9-9. Ảnh: REUTERS
ASEAN cần có lối đi riêng
Là một tổ chức trung tâm của khu vực với vị thế ngày càng vững chắc trên trường quốc tế, ASEAN chắc chắn phải có hướng đi riêng và lập trường này nhiều khả năng sẽ thể hiện rõ nét trong nội dung Hội nghị AMM-53. Trả lời tờ South China Morning Post, TS Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) nhận định ASEAN nên bám sát vào thế mạnh của mình là một khối luôn yêu chuộng hòa bình và xem thượng tôn pháp luật là kim chỉ nam giải quyết những vấn đề ở Biển Đông. Theo chuyên gia này, ưu tiên trước mắt là ASEAN nên đẩy nhanh tiến độ của quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử về Biển Đông (COC) và đánh giá lại tính hiệu quả của tiến trình thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên về Biển Đông (DOC). Trước kịch bản Biển Đông có thể sẽ trở thành tâm điểm của cuộc đối đầu quân sự Mỹ - Trung, đây là hai văn bản pháp lý quan trọng để tạo cơ chế kiểm soát hành vi cần thiết cho các bên hoạt động ở vùng biển này.
Phải tiếp tục xây dựng lòng tin giữa các kênh trao đổi liên quốc gia ASEAN và đặc biệt là thúc đẩy vai trò trung tâm của khối. Bên cạnh đó, mục tiêu hàng đầu là phải đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của những thành viên ven biển. Chủ tịch Hạ viện Indonesia PUAN MAHARANI |
Hai trở ngại lớn nhất mà TS Collin Koh cho rằng ASEAN cần phải vượt qua là làm sao để không rơi vào các chiêu trò gây chia rẽ của TQ, như đề xuất đối thoại đơn phương từng nước có tranh chấp là để thị uy bằng sức mạnh kinh tế - quốc phòng. Ông cũng cho rằng ASEAN cần đoàn kết để thống nhất tầm nhìn chung cho một Biển Đông hòa bình, ổn định cho mọi quốc gia, đúng như mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” mà ASEAN theo đuổi.
Về phía Mỹ, các bộ trưởng tham gia AMM-53 nên đối thoại và kêu gọi nước này hạ nhiệt căng thẳng với TQ và kiềm chế các hoạt động quân sự trong vùng. Cần làm rõ là ASEAN vẫn mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng với Mỹ nhưng chỉ dừng ở mức đảm bảo an ninh khu vực và Washington cần tôn trọng ý nguyện của khối. Ưu tiên lớn nhất vẫn là mở rộng hợp tác kinh tế và Mỹ có thể tăng cường đầu tư vào Đông Nam Á.
Trên thực tế, đầu tư kinh tế về dài hạn sẽ giúp ích ASEAN nhiều hơn là các khoản viện trợ quốc phòng vì khi đó các nước này sẽ có tiềm lực để phản ứng lại các hành vi khiêu khích của TQ. Một Đông Nam Á đủ lực đương đầu với TQ dĩ nhiên cũng sẽ mang lại lợi ích cho Mỹ, phù hợp với mục tiêu của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở mà không cần các đợt triển khai quân sự đầy rủi ro.
COVID-19 cũng phủ bóng Hội nghị ASEAN Ngoài căng thẳng Mỹ - Trung, Hội nghị AMM-53 cũng diễn ra giữa lúc tình hình đại dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp với tác động tiêu cực lên kinh tế - xã hội của các nước ASEAN. Một số nước như Philippines hay Indonesia vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới mỗi ngày ở mức hơn 3.000 cùng số trường hợp tử vong mỗi ngày tới ba con số. Đài Al Jazeera dẫn lời một quan chức ASEAN cho biết các bộ trưởng dự kiến sẽ thảo luận về kế hoạch lập một quỹ tài chính chung nhằm hỗ trợ những thành viên chịu thiệt hại nặng nhất thông qua hình thức viện trợ vật tư y tế. Hiện đã có Thái Lan tuyên bố sẽ góp khoảng 100.000 USD vào quỹ này trong khi các nước còn lại sẽ thông báo sau. Các nước đối tác như Nhật, Hàn Quốc và TQ dự kiến cũng sẽ tham gia đóng góp vào quỹ. |