Trang Energy Voice ngày 30-11 dẫn báo cáo của Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) cho biết Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc (CCG) thời gian qua tiếp tục quấy rối hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia ở Biển Đông.
Cuối tháng 11, tàu Hải cảnh Trung Quốc 5402 đã đối đầu với tàu tuần tra duyên hải KD Keris của Malaysia tại khu vực Bãi cạn Luconia mà Malaysia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Theo báo cáo của AMTI, tàu Hải cảnh Trung Quốc 5402 ngày 19-11 đã quấy rối hoạt động của giàn khoan và các tàu tiếp tế của Malaysia, chỉ cách ngoài khơi bang Sarawak 44 hải lý. Với khoảng cách này, tàu Hải cảnh Trung Quốc 5402 đã tiếp cận gần bờ biển nhất mà AMTI từng ghi nhận.
Giàn khoan tự nâng Borr Drilling’s Gunnlod. Ảnh: BORR DRILLING
Tàu Hải cảnh 5402 được cho là đã phát đi những cảnh báo yêu cầu ngừng hoạt động như đã từng làm trong các trường hợp khác liên quan các giàn khoan ngoài khơi của Malaysia.
Trước động thái trên, Malaysia đã triển khai một tàu tuần tra duyên hải KD Keris để giám sát tàu Hải cảnh 5402 Trung Quốc.
Phân tích dữ liệu từ trang Marine Traffic và hình ảnh vệ tinh từ hãng Planet Labs cho thấy từ ngày 12-11, tàu Hải cảnh 5402 Trung Quốc tiến về phía đông cách Bãi cạn Luconia 40 hải lý để thực hiện một cuộc tuần tra nhanh trước khi rút lui.
Theo AMTI, dường như tàu Hải cảnh 5402 đã bị thu hút bởi sự xuất hiện của giàn khoan tự nâng mới Borr Drilling’s Gunnlod, vốn trước đó được kéo đến địa điểm này cùng hai tàu tiếp tế ngoài khơi gồm tàu Lewek Plover và JM Abadi.
Giàn khoan Gunnlod đang hoạt động tại lô SK410B ở vùng biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, thăm dò khí tự nhiên theo hợp đồng với Công ty thăm dò và sản xuất PTT (PTTEP) của Thái Lan. PTTEP đã ký hợp đồng giàn khoan, đến Lô SK410B vào đầu tháng 11 và sẽ hoạt động đến quý 1-2021, mặc dù họ có lựa chọn gia hạn hợp đồng đến quý 3-2021.
Công ty dầu khí quốc gia Thái Lan đang thẩm định mỏ khí khổng lồ Lang Lebah thuộc lô Sarawak SK410B, được phát hiện vào năm 2019, ước tính chứa ít nhất 57 tỉ mét khối khí tự nhiên. PTTEP và các đối tác liên danh của mình - Kuwait Foreign Petroleum Exploration Co. và Petronas - hiện đang khoan một giếng thẩm định để xác nhận khả năng trữ lượng khí tại đây có thể sẽ lớn hơn ước tính ban đầu.
Trước hành vi quấy rối của Trung Quốc, ông Ian Storey – nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) – nhận định: “Trung Quốc cố gắng làm gián đoạn hoạt động thăm dò của các bên tranh chấp tại Biển Đông vì họ muốn gây sức ép buộc các nước này ký thỏa thuận khai thác chung với Trung Quốc tại các khu vực nằm trong đường chín đoạn mà Bắc Kinh yêu sách phi pháp”.
"Các hoạt động thăm dò cần một khoản tiền lớn và các công ty năng lượng để kiếm được lợi nhuận đòi hỏi sự ổn định trong lĩnh vực mà họ đã đầu tư. Khi Trung Quốc làm gián đoạn hoạt động của các công ty này, họ phải suy nghĩ lại về những rủi ro khi hoạt động tại Biển Đông mà không có sự đồng ý của Trung Quốc” - ông Storey cho biết.
Tui nhiên, trao đổi với Energy Voice, ông Storey cho biết: “Điều quan trọng là Malaysia và Trung Quốc trong nhiều năm nay thường giữ kín những sự cố căng thẳng, che đậy và khuếch tán chúng qua các kênh ngoại giao”.
Theo Energy Voice, chính phủ của Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin, người gần đây đang phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, trong tình hình này sẽ muốn giữ mối quan hệ chính trị nhạy cảm với Trung Quốc tránh sự chú ý của dư luận.
Malaysia khẳng định cụm bãi cạn Luconia nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Tuy nhiên, phía Trung Quốc cũng tuyên bố bãi cạn này nằm trong phạm vi “đường lưỡi bò” phi pháp mà nước này đơn phương yêu sách nhằm khẳng định chủ quyền trên Biển Đông. Từ năm 2013 đến nay, Bắc Kinh đã thường xuyên duy trì sự hiện diện quanh bãi cạn này.