Biển Đông: TQ biến tàu tiếp tế thành trạm giám sát di động?

Trang tin BenarNews ngày 9-4 đăng bài viết của nhà phân tích người Mỹ Zachary Haver nhận định Trung Quốc đang hoán cải hai tàu tiếp tế dân sự tại Biển Đông bằng cách trang bị thêm thiết bị giám sát công nghệ cao mới nhằm theo dõi các tàu của Mỹ và các nước khác tại khu vực.

Ông Haver đưa ra nhận định trên sau khi phân tích các tài liệu mua sắm mới của chính phủ Trung Quốc mà chuyên gia này tiếp cận được.

Đây là điển hình mới nhất về việc chính phủ Trung Quốc ngang nhiên tận dụng các tàu dân sự để theo đuổi lợi ích an ninh quốc gia của mình tại Biển Đông, một phương thức phổ biến theo chiến lược “hợp nhất quân sự-dân sự” của Bắc Kinh.

Tàu tiếp tế Tam Sa 1 hoạt động trái phép tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam hồi tháng 6-2017. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Theo ông Haver, cái gọi là “thành phố Tam Sa” đã trao dự án này cho Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Chiết Giang Đại Lý.

Công ty Đại Lý, dường như cũng hợp tác với quân đội Trung Quốc, sẽ cung cấp “hệ thống giám sát quang điện tử đường dài DLS-16T” trên hai tàu tiếp tế Tam Sa 1 (Sansha 1) và Tam Sa 2 (Sansha 2) với tổng trị giá là 547.000 USD.

Tàu đa chức năng

Theo ông Haver, tàu tiếp tế Tam Sa 1 và Tam Sa 2 có nhiệm vụ chủ yếu là tiếp tế cho Đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép). Tuy nhiên, ông lưu ý hai tàu này cũng ngang nhiên tiến xa hơn về phía nam đến quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Tàu Tam Sa 1 được đưa vào hoạt động hồi tháng 1-2015 và tàu Tam Sa 2 hoàn thành chuyến đi đầu tiên hồi tháng 8-2019.

Theo ông Haver, Công ty đóng tàu Quảng Châu thuộc Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC), đơn vị đã đóng tàu Tam Sa 2, cho biết con tàu dài 128 m này sẽ tích hợp nhiệm vụ “vận tải và tiếp tế, thực thi quyền tài phán hành chính, chỉ huy cứu nạn khẩn cấp, hỗ trợ y tế khẩn cấp và khảo sát khoa học về đảo và đá ngầm”.

Công ty cũng tuyên bố rằng tàu Tam Sa 2 sẽ “đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cửa ngõ phía nam của Trung Quốc (cách Trung Quốc ngang nhiên gọi Biển Đông)" - ông Haver cho biết thêm.

Phục vụ tham vọng bành trướng của Bắc Kinh

Theo ông Haver, một khi được trang bị thiết bị giám sát mới, tàu Tam Sa 1 và Tam Sa 2 có thể sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc khẳng định các yêu sách phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.

 Tàu tiếp tế Tam Sa 2 của Trung Quốc. Ảnh: CHINA NEWS

Ông Haver dẫn hồ sơ mời thầu cho thấy “hệ thống giám sát quang điện tử đường dài DLS-16T” của tập đoàn Đại Lý có thể cho phép các tàu tiếp tế “thực hiện việc tìm kiếm, quan sát, giám sát, và thu thập bằng chứng video chống lại các mục tiêu hàng hải và trên không” như tàu, người trên tàu, vật thể trôi nổi trên biển và máy bay trong mọi điều kiện thời tiết và trong mọi lúc.

Ngoài ra, ông Haver cho biết cái gọi là “thành phố Tam Sa” đang nỗ lực tìm kiếm một hệ thống theo dõi có khả năng tích hợp hình ảnh ánh sáng khả kiến, hình ảnh nhiệt hồng ngoại, theo dõi mục tiêu tự động, radar, khả năng thâm nhập sương mù, nâng cao chất lượng hình ảnh, hệ thống định vị vệ tinh GPS của Mỹ, hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc và các năng lực khác.

Tài liệu cũng cho thấy hệ thống phần mềm của thiết bị theo dõi sẽ được sử dụng để phát hiện, xác định và theo dõi “những con tàu nhạy cảm” của các quốc gia như Mỹ, Nhật, Philippines, Việt Nam, Indonesia và Đài Loan, cũng như ghi lại và hiển thị thông tin này theo thời gian thực.

Theo ông Haver, các tài liệu từ công ty Đại Lý chỉ ra rằng công ty đã hợp tác chặt chẽ với các nhà thầu quốc phòng thuộc sở hữu của nhà nước và quân đội Trung Quốc.

Theo hồ sơ mời thầu, công ty Đại Lý có nhiệm vụ hoàn thành công việc đối với các tàu Tam Sa 1 và Tam Sa 2 trong vòng ba tháng kể từ khi ký hợp đồng với “thành phố Tam Sa”.

"Hợp nhất quân sự - dân sự"

Benarnews dẫn lời chuyên gia Devin Thorne - chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu quốc phòng (C4ADS) – nhận định rằng “có một số cách mà các tàu dân sự của Trung Quốc đóng góp vào an ninh quốc gia như một phần của chiến lược hợp nhất quân sự-dân sự”.

“Các tàu này giúp khẳng định các quyền hàng hải (phi pháp) của Trung Quốc bằng cách đơn giản là hoạt động tích cực trong các khu vực tranh chấp, tạo điều kiện cho việc thể hiện sức mạnh quân sự, đồng thời mở rộng ‘tai mắt’ của Bắc Kinh ra khắp các vùng biển trong khu vực” - ông Thorne nhấn mạnh.

Chẳng hạn, chính phủ Trung Quốc đã lắp đặt hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu - được tích hợp khả năng nhắn tin SMS - trên hàng nghìn tàu đánh cá, theo đó cho phép các tàu này thực hiện việc “giám sát hàng hải” ở Biển Đông, ông Thorne dẫn các tài liệu của Trung Quốc cho biết.

Ngoài việc tận dụng ngư dân bình thường, Trung Quốc còn triển khai các lực lượng dân quân biển chuyên nghiệp để giám sát tại các khu vực tranh chấp.

Tàu Trung Quốc neo đậu trái phép tại đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: REUTERS

Ông Thorne nhận định rằng "các tàu cá của lực lượng dân quân biển Trung Quốc có thể thực hiện các nhiệm vụ do thám nhờ được đào tạo về thu thập thông tin tình báo và khả năng ẩn nấp trong thời gian dài tại các vùng biển tranh chấp".

“Tuy nhiên, ít nhất kể từ năm 2014, một số lực lượng dân quân biển cũng bắt đầu sử dụng các tàu công nghiệp hạng nặng” – ông Thorne nói, lý giải rằng vai trò của các tàu này là cung cấp hỗ trợ hậu cần và thực hiện các nhiệm vụ do thám trong các hoạt động quân sự.

Ông Thorne nói thêm rằng "các nhóm tàu dân sự của Trung Quốc cũng được sử dụng để gây áp lực trong các tranh chấp lãnh thổ và, trong một số trường hợp, cũng có thể kích động xung đột".

Chẳng hạn, sự hiện diện trái phép của hơn 200 tàu cá Trung Quốc, được cho là do lực lượng dân quân biển điều khiển, tại khu vực đá Ba Đầu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thời gian qua đã khiến tình hình căng thẳng tại khu vực leo thang, ông Thorne nhận định.

Yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò” đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.

Trong tuyên bố, Tòa cho biết "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có quyền lịch sử" tại Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ theo phán quyết.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hồi tháng 10-2020 đã nhấn mạnh: “Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa và các hành vi có liên quan vì vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Các hoạt động trên không có giá trị và không được công nhận, đồng thời không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình ở Biển Đông, khu vực và thế giới”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm