Biển Đông: Trung Quốc gây sóng gió và nguy cơ va chạm vũ trang

Kể từ tháng 5-2019 đến nay, Trung Quốc (TQ) liên tục tăng cường các hoạt động quấy rối, đe dọa, bắt nạt đối với các quốc gia ở biển Đông, bao gồm Philippines, Malaysia và Việt Nam. Đáng lên án nhất là hành vi đưa đội tàu Địa chất hải dương 8 vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam.

Bắc Kinh bước sang giai đoạn hung hăng mới

Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) trong báo cáo công bố ngày 26-9 cho biết ít nhất một tàu hải cảnh TQ bị phát hiện hoạt động ở cụm bãi cạn Luconia trong suốt 258 ngày trong năm qua. Điều đó có nghĩa TQ dùng hơn 70% thời gian trong năm để tiếp cận khu vực Malaysia tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Theo AMTI, TQ bắt đầu tuần tra quanh khu vực Luconia kể từ năm 2013.

Lực lượng hải cảnh TQ cũng tiến hành tuần tra quanh bãi cạn Scarborough của Philippines (bị TQ chiếm giữ từ năm 2012) suốt 162 ngày trong năm qua. Đối với khu vực bãi Cỏ Mây (đang bị Philippines chiếm giữ), tàu hải cảnh TQ cũng tiến hành tiếp cận, tuần tra xung quanh trong 215 ngày.

Trong khi đó, đội tàu Địa chất hải dương 8 của TQ ngang ngược tiếp cận, thực hiện hoạt động khảo sát địa chấn ở khu vực gần bãi Tư Chính và các vùng biển nằm trong đường lưỡi bò phi pháp kể từ tháng 7-2019. Đây là các vùng biển nằm hoàn toàn trong EEZ và thềm lục địa của Việt Nam chiếu theo luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà TQ là thành viên.

Như vậy, kể cả về phạm vi lẫn mức độ hung hăng, các động thái của TQ cho thấy Bắc Kinh đã và đang trực tiếp nhằm vào vùng biển đường chín đoạn bằng việc gia tăng vũ lực. Bắc Kinh hiện dựa vào hai lợi thế: (i) Đã hoàn thành cơ bản việc xây dựng đảo nhân tạo phi pháp và có thể cung ứng dịch vụ quân sự, hậu cần quân sự, lấy đó làm bàn đạp để gia tăng bắt nạt các nước; (ii) Lợi dụng thời điểm cả Malaysia, Philippines phản ứng thiếu quyết đoán trước hành vi phi pháp của TQ.

Giới quan sát lo ngại việc Philippines tuyên bố đồng ý chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” của TQ, “ăn chia” tỉ lệ 60/40 trong các dự án khai thác ở khu vực nằm trong EEZ của Philippines. Đó là bước đà khiến TQ gia tăng áp lực lên Malaysia và Việt Nam, hòng áp dụng chiêu bài tương tự với Manila. Trong khi Việt Nam quyết liệt phản đối mọi hành vi vô pháp của TQ, giới quan sát nhìn nhận vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn chủ trương của Malaysia trước ý đồ “gác tranh chấp, cùng khai thác” mà TQ dày công giăng bẫy ở biển Đông.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer đã áp sát quần đảo Hoàng Sa hai lần vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9-2019. Ảnh: U.S. NAVY

Washington tăng cường hiện diện

Tờ South China Morning Post nhận định Mỹ đang tăng cường hoạt động trong “vùng xám” nhằm đối trọng lại các hành vi nguy hiểm của TQ ở biển Đông. Động thái này của Washington làm tăng đáng kể nguy cơ xung đột vũ trang giữa hai cường quốc.

Trong năm 2018, Mỹ đã tiến hành ít nhất năm chuyến tuần tra tự do hàng hải và hơn 1.000 chuyến bay quân sự ở khu vực biển nhộn nhịp bậc nhất thế giới này. Thậm chí có thông tin cho rằng gần như bất kể khi nào, ít nhất ba tàu hải quân Mỹ cũng đều xuất hiện tại vùng biển đang xảy ra căng thẳng giữa TQ và các nước.

Hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ nhằm vào TQ được triển khai từ năm 2015. Tháng trước, Hạm đội 7 của Mỹ xác nhận tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer đã áp sát nhiều đảo ở quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đã bị TQ chiếm giữ trái phép). Mục tiêu của Mỹ là nhằm bác bỏ yêu sách đường cơ sở thẳng rất vô lý của TQ tại khu vực.

“Quân đội TQ có khả năng gia tăng, vì vậy Mỹ sẽ chuyển sang các hoạt động nguy hiểm hơn bao giờ hết trong vùng xám” - nhà nghiên cứu Chen Yong, Viện Quan hệ quốc tế thuộc Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải, nhận định.

Vùng xám là thuật ngữ mô tả một quốc gia đang đứng giữa trạng thái chiến tranh và hòa bình. Nhà nghiên cứu Chen Yong cho rằng sự đối đầu giữa Mỹ và TQ trong vấn đề an ninh ở biển Đông ngày càng gia tăng và vì vậy Washington triển khai toàn bộ hoạt động trong phạm vi vùng xám để đối trọng Bắc Kinh.

Nhiều năm qua Mỹ đã không ngừng cáo buộc TQ áp dụng các chiêu trò trong vùng xám nhằm tái thiết trật tự do Mỹ lãnh đạo tại khu vực biển Đông, vốn có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng. Bắc Kinh vừa đẩy căng thẳng gia tăng ở biển Đông đến mức nước khác nghĩ có thể xảy ra chiến tranh (lấy chiến tranh dọa các nước) nhưng đồng thời TQ vẫn giữ tình hình dưới mức chiến tranh để tránh thiệt hại.

Biển Đông: Trung Quốc gây sóng gió và nguy cơ va chạm vũ trang ảnh 2
 

Các tàu hải quân thuộc hải quân Hoàng gia Malaysia nhỏ hơn các tàu hải cảnh của TQ. (…) Malaysia có thể ra thông cáo phản đối hành vi sai trái của TQ nhưng vẫn sẽ thất thế trong trường hợp xảy ra xung đột... Chúng ta không muốn xung đột xảy ra nhưng lực lượng hải quân Malaysia cần được nâng cấp để có khả năng quản lý tốt hơn các vùng biển nếu có xung đột xảy ra giữa các cường quốc ở biển Đông.

Hãng tin Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Malaysia SAIFUDDIN ABDULLAH 

Theo giới quan sát, TQ tiến hành chiến thuật vùng xám thông qua: (a) Xây dựng đảo nhân tạo phi pháp; (b) Quân sự hóa các thực thể nhân tạo này; (c) Triển khai phi pháp các lực lượng tàu hải cảnh ở khu vực; và (d) Tận dụng đội tàu cá và tàu dân quân biển thực hiện các hành vi mang tính vũ lực theo kiểu “bán quân sự”.

Trước sự gia tăng hiện diện của Mỹ và các nước tại biển Đông, TQ đang phát triển hệ thống quân sự hiện đại nhằm chống Mỹ “tiếp cận và xâm nhập” biển Đông. Màn “trình làng” nhiều thế hệ vũ khí dịp Quốc khánh TQ ngày 1-10 vừa qua dẫn đến việc có ý kiến cho rằng TQ đang chiếm ưu thế nếu có chiến tranh xảy ra. Tuy nhiên, phần đông các chuyên gia cho rằng sự thật không phải như vậy.

Chuẩn đô đốc hải quân Mỹ George Wikoff cho biết ông không hề lo lắng về an ninh của các lực lượng hải quân Mỹ đang hoạt động ở biển Đông, kể cả những khu vực mà sự hiện diện của Mỹ không được TQ chào đón. “Tôi ngủ rất ngon vào đêm qua và cả đêm trước đó. Tôi vẫn sẽ ngủ rất ngon khi chúng tôi ghé lại khu vực biển Đông (trong thời gian sắp tới)” - báo The Japan Times dẫn lời ông Wikoff.

Các quan chức hải quân Mỹ nhiều lần khẳng định quân đội nước này luôn trong tâm thế sẵn sàng và sẽ hành động tức khắc khi có lệnh. Trong khi đó, một động thái khiêu khích quá mức chấp nhận ở biển Đông có thể khiến hai cường quốc va chạm vũ trang. Chiến tranh là bi kịch mà Mỹ (và cả TQ) không mong muốn. Tuy nhiên, để đảm bảo không bị TQ “hất cẳng” khỏi biển Đông, trong trường hợp Bắc Kinh leo thang không biết điểm ngừng, Mỹ sẽ không còn phương án khác.

Mỹ liên tục thách thức Trung Quốc

Ngày 17-10, Mỹ tham gia cuộc tập trận Sama-Sama với Philippines tại Palawan, tỉnh đảo của Philippines gần quần đảo Trường Sa.

Ngày 9-10, thủy quân lục chiến Mỹ và lực lượng đặc nhiệm của cảnh sát biển Philippines đã bắt đầu cuộc tập trận Kamandag. Cuộc tập trận còn có sự tham gia của Lực lượng Phòng vệ hàng hải Nhật Bản.

Ngày 6-10, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan tuyên bố hoàn thành tập trận trên biển Đông, bất chấp TQ lên tiếng phản đối.

Ngày 26-9, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản khởi động diễn tập Malabar lần thứ 23 ngoài khơi tỉnh Nagasaki của Nhật Bản.

Biển Đông: Trung Quốc gây sóng gió và nguy cơ va chạm vũ trang ảnh 3
Tàu hải quân Philippines tham gia cuộc tập trận chung lần thứ nhất giữa Mỹ và ASEAN vào tháng 9-2019. Ảnh: EPA 

Ngày 24-9, hải quân Mỹ và Singapore bắt đầu cuộc diễn tập hàng hải chung Pacific Griffin kéo dài đến ngày 11-10 gần đảo Guam.

Ngày 13-9, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer của hải quân Mỹ tuần tra tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc Việt Nam nhưng đang bị TQ chiếm giữ trái phép).

Ngày 2-9, Mỹ tiến hành cuộc tập trận chung đầu tiên với 10 thành viên ASEAN ở ngoài khơi vịnh Thái Lan và mở rộng cho tới vùng Cà Mau của Việt Nam.

Ngày 28-8, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer đã áp sát đá Vành Khăn và đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng hiện bị TQ chiếm đóng và cải tạo trái phép).

Ngày 15-5, Lực lượng tuần duyên Mỹ và Philippines lần đầu tiến hành cuộc tập trận chung tại vùng biển gần bãi cạn Scarborough, khu vực tranh chấp giữa Philippines và TQ trên biển Đông.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm