Các hãng dược phát triển vaccine đặc biệt ngừa biến thể Delta

Biến thể Delta (hay còn được biết đến là B.1.617.2) của virus SARS-CoV-2 với khả năng lây nhiễm nhanh và độc lực mạnh được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ hồi tháng 10-2020 và nhanh chóng gây ra làn sóng dịch nghiêm trọng nữa trên toàn cầu với hơn 400.000 ca nhiễm mỗi ngày.

Biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn, rộng hơn, cả ở bộ phận người trẻ. Theo nhiều chuyên gia, trong đó có TS Randall Olsen, Giám đốc y khoa tại phòng thí nghiệm chẩn đoán phân tử thuộc BV Houston Methodist (Mỹ), người nhiễm biến thể Delta có khả năng lây truyền cao gấp đôi người nhiễm các biến thể khác. Bên cạnh đó, các thống kê y tế cũng cho thấy biến thể Delta khiến nhiều người nhập viện hơn các biến thể khác.

Pfizer đã vào cuộc

Thời điểm hiện tại, sáu loại vaccine mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng khẩn cấp - của Sinovac, Pfizer BioNTech, AstraZeneca/Oxford, Janssen, Moderna và Sinopharm - đều có hiệu quả ngăn chặn tất cả biến thể COVID-19, kể cả biến thể Delta. Khi được tiêm một liều, khả năng bảo vệ trước biến thể Delta là 33% và khả năng này sẽ tăng lên tới 60%-80% khi được tiêm liều thứ hai, tùy vào loại vaccine sử dụng.

Nhiều hãng dược cả Đông lẫn Tây đang phát triển loại vaccine đặc biệt nhắm đến biến thể Delta. Ảnh: DEPOSIT PHOTOS

Vaccine hiện tại của Sinopharm có thể phát triển các kháng thể hoặc kháng thể đơn dòng giúp ngăn chặn sự liên kết của virus Corona với một loại enzym được gọi là ACE 2 (enzym chuyển đổi angiotensin 2). ACE 2 liên kết với các tế bào nằm trong ruột, thận, tinh hoàn, túi mật và tim; các kháng thể đơn dòng có thể ngăn virus biến thể Delta lây nhiễm sang các tế bào này. Nó cũng có thể làm giảm viêm phổi do loại virus chuyển hóa mới này gây ra.

Ông YANG XIAOMINGChủ tịch Công ty CNSH China National Biotech Group thuộc Tập đoàn Dược phẩm quốc gia TQ Sinopharm 

Dù đều đồng ý rằng tất cả loại vaccine hiện có đều đang làm rất tốt nhiệm vụ ngăn bệnh tiến triển nặng và dẫn tới tử vong, các nhà khoa học vẫn thừa nhận: Với biến thể Delta, mức độ hiệu quả của vaccine thấp hơn so với các biến thể khác.

Nhận thức được độ nguy hiểm của biến thể Delta, bên cạnh tăng năng lực sản xuất các loại vaccine hiện có để các nước tăng phủ sóng tiêm chủng, nhiều hãng dược, công ty công nghệ sinh học (CNSH) từ Đông sang Tây đã bắt tay vào phát triển, nâng cấp công thức để tạo ra thêm phiên bản vaccine nữa, đặc biệt nhắm vào biến thể Delta.

Theo thông tin từ đài CNN, trong thông cáo công bố đầu tháng 7 rằng mình sẽ đề nghị Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (CDC) phê duyệt khẩn cấp giải pháp tiêm tăng cường liều vaccine COVID-19 BNT162b2 thứ ba nhằm tăng mức kháng thể, hãng dược Pfizer (Mỹ) cho biết mình và Công ty CNSH BioNTech (Đức) sẽ nghiên cứu phát triển một phiên bản cập nhật của vaccine nhắm vào biến thể Delta. Lý do, theo Pfizer, vì thực tế “trong giai đoạn này, biến thể Delta đang trở thành biến thể chiếm ưu thế ở nhiều nước”.

“Pfizer và BioNTech tin rằng liều thứ ba của vaccine BNT162b2 có khả năng duy trì mức hiệu quả bảo vệ cao nhất chống lại tất cả biến thể hiện được biết đến bao gồm Delta, tuy nhiên các công ty vẫn thận trọng và đang phát triển phiên bản cập nhật của vaccine COVID-19 Pfizer/BioNTech nhằm vào protein tăng đột biến đầy đủ của biến thể Delta” - CNN dẫn thông cáo của Pfizer. Các loại vaccine hiện tại chỉ nhắm mục tiêu một phần của protein đột biến - một phần của virus mà nó sử dụng để gắn vào tế bào.

Theo thông cáo của Pfizer thì hiện lô vaccine đầu tiên (cũng theo công nghệ mRNA) dành riêng cho việc thử nghiệm khả năng chống biến thể Delta đã được sản xuất tại cơ sở của BioNTech ở TP Mainz, bang Rheinland-Pfalz (Đức) để bắt đầu thử nghiệm trong tháng 8, khi được nhà chức trách cho phép.

Sinopharm, Sinovac khẩn trương

Tại Trung Quốc (TQ), Nhân Dân nhật báo ngày 5-8 cho biết một loạt công ty CNSH, hãng dược ở nước này đã và đang bắt tay phát triển các loại vaccine đặc biệt nhắm tới biến thể Delta.

Hai tuần trước, ông Yang Xiaoming, Chủ tịch Công ty CNSH China National Biotech Group thuộc Tập đoàn Dược phẩm quốc gia TQ Sinopharm, cho biết công ty đã đẩy mạnh nghiên cứu các loại vaccine mới được thiết kế chống lại các biến thể mới, trong đó có biến thể Delta. Ông Zhang Yuntao, Phó Chủ tịch China National Biotech Group, cho biết Sinopharm sẽ đệ đơn xin cấp phép nghiên cứu lâm sàng vaccine chống biến thể Delta.

Trong khi đó, bà Yang Guang, Trưởng bộ phận kinh doanh Công ty Dược phẩm sinh học Sinovac Biotech, cho biết Sinovac “đang phát triển các loại vaccine mới nhắm vào chủng Delta dựa trên các công nghệ, quy trình và tiêu chuẩn đã được thiết lập mà chúng tôi đã áp dụng cho thế hệ vaccine đầu tiên”.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, đầu tháng 8, Tổng giám đốc Sinovac Yin Weidong cho biết công ty này sẽ nộp đơn đến một số nước xin được thực hiện nghiên cứu lâm sàng và xin cấp phép khẩn cấp các ứng viên vaccine nhắm vào các biến thể Gamma và Delta. Theo Thời báo Hoàn Cầu, các ứng viên vaccine mà ông Yin đề cập sẽ là “các sản phẩm mới”, được thiết kế nhắm vào các biến thể đặc biệt, khác với vaccine CoronaVac đang được triển khai tiêm trên thị trường.

“Các sản phẩm mới” này, một khi được phát triển thành công và được các nước phê duyệt sử dụng sẽ được cung cấp đến các nước tùy vào loại biến thể đang chiếm ưu thế ở địa phương cụ thể.

Ông Yin cũng cho biết Sinovac đã hoàn tất nghiên cứu về việc tiêm mũi tăng cường vaccine CoronaVac, cho thấy mũi tăng cường có thể tăng nhanh chóng mức kháng thể trung hòa trong vòng một tuần. Kết quả này sẽ sớm được công bố trên tạp chí Science.

Ngoài ra, Công ty CNSH Shenzhen Kangtai Biological Products đầu tháng 8 cho biết đã bắt đầu chương trình nghiên cứu tiến tới tạo ra một phiên bản vaccine bất hoạt mới đặc biệt ngăn chặn biến thể Delta. Công ty này có một loại vaccine bất hoạt được nhà chức trách TQ phê duyệt sử dụng khẩn cấp hồi tháng 5. Công ty cho biết sẽ sớm có đánh giá, sàng lọc chọn ra phiên bản vaccine phù hợp nhắm mục tiêu biến thể Delta chuẩn bị cho sản xuất.

Cũng đầu tháng 8, ông Zhu Tao, nhà khoa học trưởng tại Công ty CNSH CanSino Biologics, cho biết CanSino đã triển khai phát triển công nghệ vaccine vector adenovirus để tạo ra thêm loại vaccine chống lại các biến thể mới.

Tất cả loại vaccine đều ngăn bệnh tiến triển nặng

Đài NBC News dẫn lời khẳng định của Sở Y tế bang New York (Mỹ) ngày 18-8 rằng tất cả loại vaccine chống COVID-19 hiện tại đều có khả năng đáng kể trong việc ngăn bệnh tiến triển nặng, cho dù các loại vaccine này không hoàn hảo trong ngăn chặn biến thể Delta.

Sở Y tế bang New York công bố một nghiên cứu thực hiện chung với Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) với những trường hợp nhiễm và nhập viện ở bang New York trong thời gian từ ngày 3-5 đến 19-7. Trong thời gian này, vaccine mất khoảng 12% hiệu quả trong việc ngừa nhiễm, xuống còn dưới 80%. Tuy nhiên, khả năng ngăn bệnh tiến triển nặng tới mức phải nhập viện vẫn ở mức cao: 95,3% và tỉ lệ nghiên cứu vào tuần trước cũng chính xác con số này.

Nghiên cứu của Sở Y tế bang New York cũng cho thấy so với người đã tiêm vaccine, người không tiêm vaccine có nguy cơ bị nhiễm cao hơn tới tám lần và có nguy cơ bệnh tiến triển nặng phải nhập viện cao hơn tới 11 lần. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm