Các ông lớn công nghệ hợp sức tình báo bảo vệ bầu cử Mỹ

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra trong chưa đầy hai tháng nữa. Hiện không chỉ giới tình báo, an ninh Mỹ đang bận rộn bảo vệ cuộc bầu cử khỏi nguy cơ bị can thiệp từ bên ngoài mà nhiều ông lớn công nghệ nước này cũng tuyên bố vào cuộc vì mục tiêu này.

Ông lớn Microsoft ra tay

Microsoft ngày 10-9 thông báo vừa ngăn cản nhiều cuộc tấn công mạng từ Trung Quốc (TQ), Nga, Iran nhắm vào cả hai chiến dịch tranh cử của đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ.

Cụ thể, hãng tin AFP dẫn lời Phó Chủ tịch Microsoft Tom Burt cho biết trong vài tuần gần đây, tập đoàn này đã phát hiện một số lượng lớn cuộc tấn công mạng nhắm vào các cá nhân và tổ chức liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống sắp đến. Theo ông Burt, thực tế này cho thấy rõ ràng các nhóm tin tặc nước ngoài đã tăng nỗ lực nhắm đến cuộc bầu cử, “phù hợp với những gì chính phủ Mỹ và nhiều người khác từng cảnh báo”.

Ông Burt nêu rõ nhóm tin tặc Strontium (có trụ sở ở Nga) “đã tấn công hơn 200 tổ chức”, nhóm tin tặc Zirconium (có trụ sở ở TQ) “đã tấn công các cá nhân cấp cao liên quan đến cuộc bầu cử, bao gồm những người có liên hệ với ông Joe Biden”.

Ngoài ra, ông Burt còn hài tên nhóm Phosphorus (trụ sở tại Iran) và cho biết nhóm này đã tấn công vào tài khoản cá nhân của các nhân vật có liên hệ với chiến dịch tranh cử của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump. Microsoft cho biết đã kiểm soát được 155 tên miền Iran dùng để tấn công chiến dịch tranh cử của ông Trump. Theo các nhà điều tra của Microsoft, trong khoảng tháng 5 đến tháng 6, các tin tặc Iran đã cố gắng xâm nhập vào các tài khoản thư điện tử cá nhân của nhiều quan chức chính phủ cũng như nhân viên đội tranh cử của ông Trump nhưng không thành công.

Theo lời ông Burt, phần lớn các cuộc tấn công đã bị bộ phận an ninh của Microsoft phát hiện và ngăn chặn được và tập đoàn này cũng đã thông báo đến các nhân vật, tổ chức bị tấn công. Microsoft nói đến thời điểm này mình không tìm thấy chứng cứ cho thấy có vụ tấn công nào thành công.

Ngày 10-9, đội tranh cử của ông Biden ra tuyên bố nói mình đã biết về các thông tin từ Microsoft và đã chuẩn bị đối phó nguy cơ bị tấn công mạng. Đội tranh cử của ông Trump chưa lên tiếng.

Microsoft đã ngăn nhiều cuộc tấn công mạng từ Trung Quốc, Nga, Iran nhắm vào cả hai chiến dịch tranh cử của đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ. Ảnh: GETTY IMAGES

Twitter, Google, Facebook vào cuộc

Cùng ngày, Công ty Twitter cho biết từ ngày 17-9 sẽ thực thi chính sách gỡ bỏ các thông tin sai lệch, không đúng sự thật, kể cả các thông tin không kiểm chứng về kết quả bầu cử nhằm hủy hoại lòng tin công chúng vào cuộc bầu cử.

Chính sách mới cấm các hành động, các phát ngôn can thiệp vào tiến trình kiểm phiếu như “tuyên bố chiến thắng trước khi kết quả bầu cử được chứng thực, dẫn đến cách hành xử vô pháp cản trở tiến trình chuyển giao quyền lực hòa bình hay kế nhiệm một cách có trật tự”.

Hoạt động mà chúng tôi thông báo hôm nay cho thấy rõ các nhóm hành động nước này đã tăng cường nỗ lực nhắm tới cuộc bầu cử 2020 như chúng ta đã đoán trước.

Phó Chủ tịch Microsoft TOM BURT 

Twitter đi bước này trong bối cảnh đang ngày càng gia tăng lo ngại về chuyện kết quả bầu cử, khi tình hình được dự đoán sẽ có một lượng lớn cử tri bỏ phiếu qua thư, một tiến trình mà ông Trump mấy tháng qua luôn cho rằng sẽ không mang lại kết quả trung thực. Nhiều dòng trạng thái của ông Trump viết về việc bỏ phiếu qua thư thời gian qua đã bị cả Twitter lẫn Facebook dán nhãn.

Trong ngày 10-9, Google cũng tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp ngăn chặn thông tin sai lệch ảnh hưởng tiêu cực đến bầu cử. Cụ thể, Google cho biết sẽ siết kiểm soát chức năng ghi nhớ từ khóa trên công cụ tìm kiếm để hạn chế lan tràn thông tin sai lệch. Theo lời ông Pnadu Nayak, Phó Chủ tịch phụ trách công cụ tìm kiếm của Goolge, tập đoàn này sẽ gỡ bỏ các từ ngữ mang tính dự đoán có thể bị xem nhằm mang lại lợi ích hay chống lại bất kỳ ứng viên nào hay bất kỳ đảng chính trị nào. Chẳng hạn, Google sẽ gỡ bỏ các từ ngữ đề cập hình thức bỏ phiếu như “bạn có thể hay không thể bầu bằng điện thoại”.

Tuần trước, Facebook nói sẽ dán nhãn các dòng đăng từ các ứng viên hay các đội tranh cử tuyên bố chiến thắng khi chưa có kết quả chính thức. Facebook cũng nói sẽ ngưng nhận các nội dung quảng cáo chính trị trong tuần trước ngày bầu cử.

Theo đài CNN, đầu tháng này, Văn phòng phân tích tình báo thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ công bố bản tin tình báo, trong đó cảnh báo rằng Nga đang cố gắng gieo rắc nghi ngờ về tính trung thực của cuộc bầu cử bằng cách tung ra các thông tin sai lệch liên quan việc bỏ phiếu qua thư, nói rằng nó sẽ dẫn tới tình trạng gian lận.

Bản tin cũng cho biết TQ và Iran đã và đang nỗ lực giảm thiểu cơ hội tái đắc cử của ông Trump. Kết luận này phù hợp với nhận định của Giám đốc Trung tâm Phản gián và an ninh quốc gia Mỹ William Evanina tháng trước rằng TQ và Iran đang tấn công ông Trump, còn các đặc vụ Nga đang cố gắng để ông Biden không thắng.

Giữa tháng 8, Ủy ban Tình báo Thượng viện công bố báo cáo rằng các đặc vụ tình báo Nga đã và đang cố gắng tiếp cận đội tranh cử của ông Trump với mức độ đáng ngại hơn năm 2016. Theo báo New York Times, ngày 9-9, một nhân vật trong Bộ An ninh nội địa Mỹ tiết lộ hồi tháng 5, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien đã yêu cầu Quyền Bộ trưởng An ninh nội địa Chad Wolf ngưng cung cấp đánh giá tình báo về nguy cơ đe dọa của Nga, mà thay vào đó tập trung vào các nguy cơ TQ và Iran.

Về nguy cơ cuộc bầu cử bị gian lận, theo CNN, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) nhận xét không có chứng cứ để lo lắng về chuyện gian lận liên quan hình thức bỏ phiếu qua thư, mà dẫu nếu có đi nữa thì mức độ cũng sẽ không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Theo một quan chức FBI cấp cao thì cơ quan này “hoàn toàn nhận thức” được khả năng hình thức bỏ phiếu qua thư sẽ được áp dụng rộng rãi vì dịch COVID-19 vẫn đang rất nặng nề ở Mỹ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm