Canada, Nhật ra tuyên bố kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết về Biển Đông

Tờ Manila Bulletin đưa tin Canada ngày 11-7 (giờ địa phương) đã bày tỏ quan ngại về “các hành động leo thang và gây bất ổn” của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông năm 2016.

Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Philippines ngày 12-7 kỷ niệm năm năm ngày ra phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông (12-7-2016), trong đó bác bỏ các yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò”.

Trong tuyên bố, Tòa cho biết "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có quyền lịch sử" tại Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ phán quyết.

Canada: "Phán quyết là một cột mốc quan trọng"

Theo Manila Bulletin, trong tuyên bố hôm 11-7, Bộ Các vấn đề toàn cầu (GAC) của Canada đã mô tả phán quyết về Biển Đông năm 2016 là một “cột mốc quan trọng” và là cơ sở hữu ích để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình.

“Điều bắt buộc là tất cả các bên trong khu vực phải kiềm chế và tránh hành động đơn phương, vì điều này sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng và đe dọa sự ổn định của khu vực” -  tuyên bố nêu rõ.

Canada, Nhật ra tuyên bố kêu gọi Trung Quốc tuân thủ Phán quyết về Biển Đông. Ảnh: AP

Đặc biệt, Canada đã nêu bật mối quan ngại của nước này liên quan vấn đề Biển Đông, bao gồm những diễn biến gần đây ngoài khơi bờ biển Philippines, cũng như các động thái “quân sự hóa các thực thể tranh chấp và sử dụng các tàu hải quân, hải cảnh và dân quân biển để uy hiếp và đe dọa tàu của các nước khác".

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia, gồm cả Trung Quốc, tuân thủ các cam kết trước đây được đưa ra trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002” – tuyên bố nhấn mạnh.

Liên quan tiến trình đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc, Canada kêu gọi sự minh bạch trong các cuộc đàm phán. Canada cũng đồng thời nhắc lại rằng thỏa thuận “không được vi phạm các quyền mà các bên được hưởng theo luật pháp quốc tế hoặc làm bất lợi quyền của bên thứ ba”.

Chính phủ Ottawa cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với thương mại hợp pháp, các quyền hàng hải và hàng không, cũng như các quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển ở Biển Đông, tất cả đều phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Theo chính phủ Canada, những nguyên tắc này là cần thiết cho một “khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an toàn, ổn định và thịnh vượng”.

“Canada cam kết bảo vệ và phục hồi một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ hiệu quả, gồm cả các đại dương và biển, và giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế” – tuyên bố nêu.

Nhật kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết về Biển Đông

Trên trang web của Bộ Ngoại giao Nhật hôm 12-7 (giờ địa phương), Nhật đã ra tuyên bố về vấn đề Biển Đông nhân kỷ niệm năm năm ngày ra phán quyết về Biển Đông năm 2016.

Canada, Nhật ra tuyên bố kêu gọi Trung Quốc tuân thủ Phán quyết về Biển Đông. Ảnh: AP

Trong tuyên bố, Nhật khẳng định “phán quyết của Tòa là cuối cùng và ràng buộc pháp lý đối với các bên tranh chấp theo các quy định của UNCLOS”.

“Việc Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận phán quyết là đi ngược lại nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS và làm suy yếu luật pháp, một giá trị cơ bản của cộng đồng quốc tế” – tuyên bố nêu.

Tuyên bố cũng khẳng định: “Với tính phổ biến và toàn diện của UNCLOS, tất cả các yêu sách hàng hải phải dựa trên các quy định liên quan của UNCLOS. Nhật một lần nữa phản đối các yêu sách hàng hải ở Biển Đông không phù hợp với UNCLOS và quan ngại sâu sắc về tình hình hiện tại”. 

Tuyên bố cũng nhắc lại sự phản đối mạnh mẽ của Nhật đối với “những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng bức”.

“Nhật sẽ tiếp tục phối hợp với ASEAN và các nước liên quan để duy trì và củng cố trật tự hàng hải dựa trên pháp quyền và hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” – tuyên bố nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm