Ngày 25-6, một trong những hiệp hội khách sạn chủ yếu của New Delhi (Ấn Độ) nói các khách sạn là thành viên của họ đang cấm du khách Trung Quốc nhằm hưởng ứng lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc sau vụ ẩu đả ở biên giới hai nước khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, báo South China Morning Post đưa tin.
"Nói không" với du khách Trung Quốc
Ông Sandeep Khandelwal, chủ tịch Hiệp hội chủ sở hữu nhà hàng và khách sạn Delhi cho biết quyết định trên đồng nghĩa với việc 75.000 phòng khách sạn ở thủ đô Ấn Độ ngưng nhận khách Trung Quốc. Họ nói đó là hành động hỗ trợ chính phủ trong giai đoạn này.
Người Ấn Độ cầm biểu ngữ “Nói không với hàng Trung Quốc” tại chợ ở thủ đô New Delhi ngày 17-6. Ảnh: AFP
Hiệp hội khách sạn cho biết họ sẽ khuyến khích các khách sạn thành viên ngừng sử dụng các sản phẩm từ Trung Quốc.
Năm 2018 đã có gần 300.000 du khách Trung Quốc đã đến thăm Ấn Độ. Tuy nhiên, việc tẩy chay lần này thực sự lại không làm ảnh hưởng nhiều đến ngành du lịch Ấn Độ do số lượng du khách đến đây thực chất đã giảm nhiều do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hiện vẫn còn nhiều khách sạn ở đây vẫn đóng cửa dù các lệnh phong tỏa đã dần được nới lỏng.
Mặc dù vây, động thái này cho thấy tâm lý chống Trung Quốc đang ngày càng gia tăng ở Ấn Độ. Các phương tiện truyền thông xã hội Ấn Độ cũng đang ngập tràn các lời kêu gọi tẩy chay sản phẩm Trung Quốc.
Làn sóng tẩy chay sản phẩm xuất xứ Trung Quốc
Trước đây, chính quyền Ấn Độ cho biết họ sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với 300 sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Khoảng 11% hàng nhập khẩu vào Ấn Độ đến từ Trung Quốc. Hiện thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc lên đến 59,3 tỉ USD, theo báo The Guardian.
Ngoài ra, Bộ Viễn thông Ấn Độ ra lệnh cho các hãng dịch vụ viễn thông nhà nước cũng như tư nhân ngừng tất cả thỏa thuận với doanh nghiệp Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc cũng bị cấm tham gia đấu thầu mọi dự án phát triển hạ tầng viễn thông Ấn Độ, bao gồm kế hoạch nâng cấp dịch vụ 4G.
Mới đây, các đại gia thương mại điện tử bao gồm “gã khổng lồ” Amazon của Mỹ - nơi cung cấp số lượng lớn các mặt hàng điện tử do Trung Quốc sản xuất đã đồng ý hiển thị xuất xứ hàng hóa cho mỗi mặt hàng được bán trên nền tảng của họ. Việc này khiến người dân Ấn Độ dễ dàng nhận biết và sàng lọc các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc mà họ không muốn mua.
Đầu tuần này, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã ra lệnh cho tất cả những người kinh doanh làm điều tương tự trên GeM, trang thương mại điện tử do nhà nước Ấn Độ quản lý với doanh thu hàng chục tỉ USD.
Xiaomi-hãng điện thoại Trung Quốc bán chạy nhất Ấn Độ hiện đang đặt nhà máy ở đây cũng bắt đầu có những động thái nhằm ngăn chặn những thiệt hại có thể có trong thời điểm này.
Hãng này đã bắt đầu cho đăng các bảng quảng cáo tại các thành phố lớn với nội dung nói rằng các sản phẩm Xiaomi đang bán tại Ấn Độ đều được sản xuất ở chính Ấn Độ.
Đồ chơi Trung Quốc được bày bán tại một khu chợ ở TP Kolkata, Ấn Độ thời gian trước khi hàng hóa nước này bị tẩy chay tại đây. Ảnh: REUTERS
“Công ty yêu cầu chúng tôi làm điều này (treo biển-PV) để tránh việc người biểu tình gây thiệt hại cho các cửa hàng vì tinh thần chống Trung Quốc đang ngày càng gia tăng” - ông Jignesh, chủ một cửa hàng điện thoại Xiaomi ở TP Mumbai cho biết.
Tuy nhiên, nhu cầu mua loại điện thoại thông minh giá rẻ này vẫn chưa có dấu hiệu giảm tại thị trường Ấn Độ.
Thêm vào đó, các mặt hàng có nguồn gốc Trung Quốc, bao gồm một số nguyên liệu thô quan trọng với các công ty dược phẩm Ấn Độ cũng bắt đầu chất đống tại các cảng và sân bay Ấn Độ do việc kiểm tra hải quan đã nghiêm ngặt hơn, truyền thông Ấn Độ cho biết.
Khu vực biên giới Ấn Độ và Trung Quốc đã bắt đầu căng thẳng sau một loạt cuộc đụng độ giữa binh lính hai bên ở Đông Ladakh gần hồ Pangong vào đầu tháng 5. Vụ việc ngày 15-6 là vụ đụng độ gây chết người đầu tiên dọc Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) kể từ cuộc đối đầu 73 ngày tại Doklam mà Trung Quốc gọi là Đông Lãng vào năm 2017.
Cuối tháng trước, Trung Quốc đã triển khai một lực lượng binh sĩ đáng kể đến khu vực biên giới. Đáp lại, Ấn Độ cũng đã điều thêm 5.000 binh sĩ đến Ladakh để tăng viện cho lực lượng đang trấn giữ vùng đất dọc theo LAC.