Thời gian vừa qua là một chuỗi những chiến thắng cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và mục tiêu mở rộng ảnh hưởng địa chính trị Nga trên toàn cầu của ông. Moscow dường như đang dần thay thế vai trò của Washington trong vai trò là cường quốc chủ chốt trong cuộc xung đột Syria nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung.
Trong khi đó, thông qua hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi tại TP Sochi từ ngày 23 đến 24-10 vừa qua, Tổng thống Putin đã nỗ lực nối lại các liên kết từng được thiết lập từ thời Xô Viết với khu vực này trong bối cảnh Moscow đang tìm cách xây dựng ảnh hưởng trên toàn thế giới.
Giấc mơ châu Phi của Tổng thống Putin
Theo tạp chí Foreign Policy, từ Algeria tới Mozambique, Moscow đã đưa các tàu vận chuyển vũ trang, ký kết các hợp đồng quân sự và theo đuổi các dự án năng lượng cũng như tài nguyên thiên nhiên với các quốc gia này. Mặc dù Lục địa đen không nằm trong ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của Moscow, song điện Kremlin coi khu vực này là một “địa hạt màu mỡ” để củng cố sâu sắc các mối quan hệ với các đối tác cũ và mới nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt phương Tây, đồng thời tăng cường vị thế địa chính trị.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược châu Phi Joseph Siegle nhận định đây là cách Nga gia tăng ảnh hưởng ở châu Phi mà không cần phải bỏ ra quá nhiều nguồn lực tài chính. “Tôi không nghĩ Moscow sẽ tập trung nhiều vào một kế hoạch dài hạn cho châu Phi, song chiến lược hiện nay của họ phù hợp với chính sách ngoại giao tổng thể của Nga khi mà Moscow theo đuổi các cơ hội và tạo dựng hình ảnh của một cường quốc toàn cầu” - ông Siegle giải thích.
Được biết Liên Xô từng là một lực lượng chiếm ưu thế ở châu Phi trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh khi mà quốc gia này chiếm được ủng hộ của đông đảo người dân và cả giới tinh hoa. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô sụp đổ, nhiều mối quan hệ từng được thiết lập này trở nên rạn vỡ hoặc bị phai nhạt khi Nga buộc phải giảm bớt những kỳ vọng ở đây.
Mặc dù vậy, cho đến nay quan điểm ủng hộ Nga vẫn được duy trì trong tâm thức của nhiều người dân ở các nước châu Phi. Do đó, việc nối lại mối quan hệ với các nước châu Phi giống như thời Liên Xô được coi là một ưu tiên cấp bách của Nga.
Kế hoạch châu Phi của Nga đánh dấu một sự chuyển biến sâu sắc về vị thế của Moscow trong khu vực cũng như trên toàn cầu. Sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và có những căng thẳng với Ukraine về vấn đề ở miền Đông nước này, Moscow đã bị các nước phương Tây trừng phạt nhằm cô lập và gây sức ép để điện Kremlin thay đổi hành vi của mình.
Tuy nhiên, việc ảnh hưởng của Nga ngày càng tăng cường hiện nay khiến quốc gia này sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội mới giữa bối cảnh điện Kremlin và phương Tây vẫn tồn tại không ít cách biệt về nhiều vấn đề.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng lãnh đạo các quốc gia châu Phi tham dự thượng đỉnh Nga - châu Phi từ ngày 23 đến 24-10. Ảnh: REUTERS
Mỹ vô tình bỏ quên châu Phi?
Theo Foreign Policy, bên cạnh Trung Đông, sự quay lại của Nga ở châu Phi được thúc đẩy một phần là do sự xao lãng của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump ở khu vực này. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton từng phác thảo một chiến lược ở châu lục này năm 2018 với mục tiêu tập trung kiềm chế ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc.
Tuy nhiên, do thiếu sự tham gia của các quan chức cấp cao cùng với những bình luận không mấy tích cực của Tổng thống Trump về châu Phi đã khiến Mỹ mất dần sự ủng hộ cũng như tạo khoảng trống để Nga tiến vào. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) lại chủ yếu chỉ tập trung vào việc kiềm chế người châu Phi di cư sang châu Âu, điều khiến mối quan hệ hai bên càng thêm chia rẽ.
Tận dụng thời cơ đó, Nga đã triển khai một chiến lược hoàn hảo ở châu Phi bằng cách tăng cường mối quan hệ về quân sự và thương mại với các quốc gia trong khu vực.
Tại Liên Hiệp Quốc, Nga tìm cách sử dụng quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an và ảnh hưởng gia tăng ở châu Phi để đối phó phương Tây. Thậm chí, vào năm 2014, Nga đã thuyết phục được hơn một nửa các nước châu Phi phản đối hoặc bỏ phiếu trắng về nghị quyết tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc khi nghị quyết này chỉ trích động thái sáp nhập Crimea của Nga.
“Nga đến châu Phi khá trễ và sự tham gia của họ tất cả vẫn còn khá mới mẻ. Họ sẽ cần khôn ngoan và tập trung vào những lĩnh vực phù hợp mà họ có thế mạnh để không phải đối diện với các rủi ro hoặc bị quá tải” - Alex Vines, thành viên Viện Quan hệ quốc tế Hoàng gia Chatham House (Anh). |
Nga sẽ đối mặt với những thách thức nào?
Việc Nga gia tăng ảnh hưởng ở châu Phi không có nghĩa Moscow không có trở ngại ở châu lục này. Điện Kremlin cũng phải đối mặt với một số thách thức, trong đó có sự trì trệ về kinh tế tại các quốc gia này.
Nga là nhà xuất khẩu vũ trang lớn nhất cho châu Phi và đã ký các thỏa thuận hợp tác quân sự với ít nhất 28 chính phủ của châu lục này. Các công ty thuộc sở hữu nhà nước của Nga, phần lớn trong số đó bị loại khỏi thị trường phương Tây, đang tập trung đầu tư vào lĩnh vực dầu khí và năng lượng hạt nhân ở châu Phi. Kim ngạch thương mại giữa Nga và châu Phi năm 2018 đạt 20 tỉ USD.
Dù vậy, Nga vẫn thiếu các phương tiện tài chính so với các nhân tố bên ngoài khác, chẳng hạn như EU, Mỹ và Trung Quốc - quốc gia đã cam kết đầu tư hơn 60 tỉ USD vào châu Phi năm ngoái và là đối tác kinh tế hàng đầu của Lục địa đen.
“Đối với Nga, nếu Moscow muốn biến châu Phi trở thành một bản sao như kế hoạch đã từng thành công ở Trung Đông thì quốc gia này sẽ cần tính toán một cách “rất chiến lược” vào những năm tới” - người đứng đầu chương trình châu Phi tại Viện Quan hệ quốc tế Hoàng gia Chatham House (Anh) - ông Alex Vines nhận định.
Cộng hòa Trung Phi xem xét cho Nga mở căn cứ quân sự Tổng thống Cộng hòa Trung Phi Faustin-Archange Touadéra mới đây cho biết đang xem xét khả năng cho phép mở một căn cứ quân sự của Nga ở nước này, theo hãng tin Sputnik ngày 26-10. “Bộ Quốc phòng của chúng tôi đang tiếp tục làm việc với Bộ Quốc phòng Liên bang Nga về vấn đề này để tìm hiểu các khả năng của hai bên” - người đứng đầu nhà nước cho biết khi trả lời câu hỏi tương ứng. Ông cũng tin tưởng rằng hợp tác giữa Nga và Cộng hòa Trung Phi cần phải được mở rộng trong các lĩnh vực nông nghiệp, trong giáo dục. |