Chuyên gia giải thích tại sao Trung Quốc còn lâu mới từ bỏ chiến lược Zero COVID

Một số chuyên gia nhận định Trung Quốc sẽ không sớm từ bỏ chiến lược Zero COVID - tiến tới mục tiêu không có ca nhiễm COVID-19 - và sẽ tiếp tục truy vết dập dịch, kênh Channel News Asia đưa tin hôm 2-11.

Hiện nay, khoảng 76% dân số Trung Quốc đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ. Tuy nhiên, nước này vẫn chưa nới lỏng các biện pháp hạn chế và chưa áp dụng chính sách sống chung với dịch.

Để ngăn chặn các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng lây lan rộng, Trung Quốc liên tục sử dụng những biện pháp mạnh để ngăn chặn như xét nghiệm hàng loạt, truy vết ca nhiễm, giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, ngay cả khi những biện pháp chống dịch này ảnh hưởng đến kinh tế địa phương.

Chuyên gia về bệnh hô hấp Zhong Nanshan - người đã góp phần định hình chiến lược chống COVID-19 của Trung Quốc đầu năm 2020, cho biết Trung Quốc sẽ duy trì chiến lược Zero COVID trong một thời gian dài nữa.

Ông nói: "Chính sách kéo dài bao lâu tùy thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh trên toàn thế giới." Theo ông Zhong, chiến lược Zero COVID thực sự tiêu tốn rất nhiều chi phí nhưng để dịch bệnh lây lan thì chi phí sẽ cao hơn rất nhiều.

Xét nghiệm hàng loạt tại tỉnh Quý Châu, Trung Quốc vào ngày 23-10. Ảnh: REUTERS

Ông nói rằng một số quốc gia đã nới lỏng các biện pháp hạn chế trong khi vẫn ghi nhận một vài ca nhiễm COVID-19. Chính những ca nhiễm ít ỏi này đã lây lan rộng khiến cho các chính phủ phải tái giãn cách trở lại. Ông Zhong cho rằng chính sách như vậy sẽ tốn kém hơn và gây ảnh hưởng đến người dân nhiều hơn.

Theo tờ South China Morning Post, Giáo sư Leo Poon Lit-man của Trường Y tế Công cộng, ĐH Hong Kong cho rằng Trung Quốc sẽ không áp dụng chiến lược Zero COVID mãi mãi. Tuy nhiên, chiến lược như vậy như thời gian qua và cả tới đây có thể giúp Trung Quốc đại lục và Hong Kong có thời gian để tìm ra cách đối phó với giai đoạn tiếp theo của đại dịch.

Ông Poon nói: “Nếu bạn không kiểm soát virus, nó sẽ lây lan. Sau đó, rất nhiều người phải nhập viện và phải được chăm sóc đặc biệt. Điều đó có nghĩa là chúng tôi phải dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ y tế cho những người này.”

Ông nói rằng biện pháp dập dịch có thể giúp Trung Quốc có thời gian để phủ vaccine rộng hơn, tìm ra thuốc kháng COVID-19 hiệu quả nhằm giảm mức độ nghiêm trọng và tránh tử vong.

Trung bình, chi phí điều trị cho mỗi bệnh nhân COVID-19 là 20.000 nhân dân tệ (khoảng 79 triệu đồng) hoặc 1 triệu nhân dân tệ (3,5 tỉ đồng) và tất cả chi phi này đều do chính phủ Trung Quốc chi trả, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin hồi tháng 8.

Trong khi Trung Quốc vẫn kiên quyết sử dụng chính sách truy vết, đóng cửa, dập dịch thì một số quốc gia châu Á khác đang bắt đầu mở cửa đối với khách du lịch quốc tế được tiêm chủng đầy đủ. Đây là nỗ lực trở lại trạng thái bình thường mới, nhằm khôi phục nền kinh tế sau đại dịch. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm