Chuyên gia Mỹ nói về khả năng hợp tác quốc phòng Mỹ-Việt Nam

Chuyên gia Elbridge Colby, cựu phó trợ lý bộ trưởng Quốc phòng về phát triển chiến lược và lực lượng Mỹ, nói như trên tại buổi Thảo luận về Chính sách Quốc phòng Quốc gia của Mỹ diễn ra ngày 23-8.

Mỹ muốn có một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương rộng mở tự do

Theo ông Elbridge Colby, từ lâu, Mỹ đã có lợi ích trong khu vực này, xét về khía cạnh thương mại cũng như hợp tác với các nước trong khu vực.

“Chúng tôi muốn được tự do giao thương với các nước trong khu vực mà không phải nhìn trước ngó sau hay xin phép Trung Quốc. Trung Quốc muốn chi phối, tạo luật chơi thương mại với các quốc gia trong khu vực. Thực tế trong thời gian qua, chúng ta đã thấy các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc bị lấn át ra sao và Bắc Kinh giờ muốn mở rộng kiểu làm ăn trong nước ra khu vực châu Á Thái Bình Dương”, ông Elbridge Colby bày tỏ.

Ông Elbridge Colby nói quan điểm của Mỹ là muốn có một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương rộng mở tự do. Hàm ý và nội hàm của khái niệm này nghĩa là các quốc gia trong khu vực có quyền quyết định tương lai, về cách tiến hành giao thương, quan hệ an ninh, kết nối về mặt chính trị.

Theo lẽ tự nhiên, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là mong muốn và là sợi dây liên kết tự nhiên giữa các nước trong khu vực, được thể hiện qua tuyên bố của Ngoại trưởng Ấn Độ vừa qua khi đề cập tới lợi ích giữa Mỹ và nước này và tôi nghĩ điều này cũng đúng với các nước khác.

Chuyên gia Elbridge Colby khẳng định Mỹ sẵn sàng giúp châu Á đối trọng TQ. Ảnh: ACH

Mỹ hỗ trợ các quốc gia, trong đó có Việt Nam nâng cao năng lực quốc phòng song song với hợp tác về mặt kinh tế. Trên cơ sở hợp tác với các đối tác truyền thống như Nhật Bản, Australia, Mỹ cũng ủng hộ các quốc gia trong khu vực củng cố khẳng định chủ quyền trên biển Đông, thể hiện qua tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra hôm qua (23-8). Chính phủ Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc về những hành động TQ thực hiện ở biển Đông.

Trả lời câu hỏi về ý đồ của việc Trung Quốc điều tàu xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên biển Đông thời gian qua, ông Elbridge Colby  nói đây là vấn đề đặc biệt quan ngại mà Bộ Ngoại giao Mỹ vừa đưa ra tuyên bố rất phù hợp trong bối cảnh này.

Trung Quốc đang thực hiện chiến lược “cắt lát salami” hay còn gọi là chiến lược “tằm ăn dâu”, áp dụng đối với Việt Nam và Philippines. Bản thân Trung Quốc cũng đã sách nhiễu Philippines thời gian qua.

Vùng biển Đông khác với khu vực Biển Hoa Đông nơi có quần đảo Điếu Ngư/Sensaku. Trường hợp tranh chấp của Nhật Bản tại Biển Hoa Đông, Tokyo có năng lực tốt và quan hệ gần gũi với Mỹ. Trong khi đó tại biển Đông năng lực của các nước chưa tương xứng trong khi quan hệ của các nước với Mỹ cũng khác. Điều đó khiến Trung Quốc có cơ sở gây sức ép.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson trong chuyến thăm Philippines tháng 2-2018. Ảnh: AP

Mỹ mong muốn Việt Nam mạnh mẽ hơn

Nói về động thái của Chính phủ Mỹ trước tình hình này, ông Colby cho biết, thứ nhất, Chính phủ Mỹ đã lên tiếng ủng hộ về mặt chính trị đối với lập trường của Việt Nam trên biển Đông. Thứ hai, Mỹ đã giúp nâng cao năng lực để Việt Nam có thể tự bảo vệ cũng như khẳng định chủ quyền ở biển Đông.

Ông cũng cho rằng việc Mỹ thực hiện các hoạt động tuần tra biển Đông ở khu vực dù rất tốt nhưng chưa đủ để đem lại sự thay đổi trong tính toán của Trung Quốc. Trung Quốc vẫn tiếp tục lợi dụng những kẽ hở đó bằng những hoạt động cụ thể của họ ở khu vực biển Đông. Rõ ràng Mỹ phải thực hiện những biện pháp khác và phải làm nhiều hơn nữa trước thực tế đó. 

“Tôi cho rằng Mỹ và Việt Nam có cơ sở để hợp tác quốc phòng. Mỹ muốn Việt Nam xây dựng và nâng cao hệ thống ADA2, đó là hệ thống chống tiếp cận và chống đột nhập, tăng cường hệ thống phòng không, hệ thống phòng thủ tên lửa, thu thập thông tin tình báo, xây dựng và tăng cường hệ thống tên lửa chống hạm, chống tàu ngầm để khiến cho Trung Quốc khó có khả năng ra tay và sử dụng sức mạnh của họ hơn”, ông Colby khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm