Là một trong số ít quốc gia kiểm soát thành công dịch COVID-19 trong nước, Trung Quốc (TQ) đang ra sức tận dụng lợi thế này để mở rộng hết mức có thể ảnh hưởng của mình ở châu Á nhằm thiết lập một trật tự quốc tế mới sau đại dịch có lợi cho TQ. Trong khi đó, đối trọng lớn nhất của nước này là Mỹ thì vẫn không thể giữ được số người nhiễm mới dưới ngưỡng 20.000 ca mỗi ngày.
Trong bài viết cho tờ Asia Times ngày 28-5, chuyên gia Grant Newsham thuộc tổ chức Diễn đàn Nghiên cứu chiến lược Nhật Bản cho rằng nếu Washington không có động thái kìm hãm hiệu quả sự trỗi dậy đáng lo ngại hiện nay của TQ thì nước này trong tương lai sẽ không còn cơ hội đó nữa.
Bất chấp COVID-19, Trung Quốc vẫn tăng chi quân sự
Theo ông Newsham, cùng với trỗi dậy nhanh chóng của sức mạnh kinh tế trong những năm gần đây, TQ liên tục mạnh tay chi cho lĩnh vực quốc phòng với ý đồ tăng cường sức mạnh quân sự tương xứng với sức mạnh kinh tế.
TQ trong hàng chục năm qua luôn là một trong những nước có mức chi quốc phòng hàng đầu thế giới khi luôn duy trì ngân sách quốc phòng ở mức hai con số, cao nhất vào năm 2011 khi chiếm tới 12,7% tổng GDP. Những năm gần đây, khi tốc độ tăng trưởng GDP sụt giảm so với trước nhưng chi phí quân sự của TQ vẫn luôn được giữ ở mức trên 7% mỗi năm.
Tuần trước, Quốc hội TQ trong phiên họp ngày 22-5 đã phân mức ngân sách khoảng 178,2 tỉ USD cho quân đội TQ, tăng 6,6% so với năm ngoái. Mức tăng này tuy giảm so với mức tăng 7,5% của năm 2019, song vẫn là một con số đáng lo ngại trong bối cảnh nền kinh tế TQ thiệt hại nặng vì đại dịch COVID-19 và bất ổn do thương chiến với Mỹ.
Thậm chí, ngay cả trước khi kỳ họp Quốc hội diễn ra, nhiều chuyên gia quân sự và giới lãnh đạo quân đội nước này cũng đã liên tục lên tiếng kêu gọi phải tăng mạnh chi tiêu quốc phòng để tăng sức cạnh tranh của TQ ở các điểm nóng trên thế giới, mà đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ngoài ra, việc tăng chi quân sự lúc này cũng cho thấy TQ sẵn sàng bất chấp tất cả để tập trung xây dựng sức mạnh quân sự và rõ ràng lãnh đạo nước này đánh giá sự bùng phát trên toàn cầu của COVID-19 là cơ hội “ngàn năm có một” để vực dậy một TQ hùng cường và rút ngắn khoảng cách tiềm lực quân sự của Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) đón tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm chính thức Trung Quốc hồi năm 2017. Ảnh: REUTERS
Trung Quốc hung hăng ở châu Á
Đi kèm với mức chi quốc phòng mạnh nói trên, TQ gần đây còn tăng cường “khoe cơ bắp” khi được cho là đang chuẩn bị điều tàu sân bay tập trận tại vùng biển gần Đài Loan. Các tàu hải cảnh của TQ mới đây cũng truy đuổi một tàu cá Nhật Bản trên vùng biển tranh chấp.
Không dừng lại ở những tranh chấp chủ quyền biển, quan hệ giữa TQ và Ấn Độ cũng đang nóng dần lên trong những ngày vừa qua sau nhiều vụ đụng độ, xâm phạm lãnh thổ tại khu vực biên giới đất liền. Ấn Độ từ lâu đã ý thức được mối đe dọa đến từ TQ nhưng sức ảnh hưởng của nước này mới chỉ giới hạn chủ yếu ở khu vực Ấn Độ Dương.
Dù kịch bản của một cuộc đụng độ vũ trang giữa hai nước vẫn còn khá xa nhưng khí tài quân sự của Mỹ và TQ hiện có dấu hiệu hoạt động thường xuyên và có cường độ cao hơn trong cùng một khu vực. Điều này có thể tạo ra nguy cơ tính toán sai lầm và có thể nảy sinh kịch bản vô tình leo thang về mặt quân sự. TS COLLIN KOH SWEE LEAN, Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore) |
TQ cũng có cách ứng xử ngày càng cứng rắn với các nước được đánh giá làm tổn hại đến lợi ích của Bắc Kinh, điển hình là động thái áp thuế chống bán phá giá hơn 80% đối với sản phẩm lúa mạch Úc nhập khẩu.
“TQ có lẽ tự cho rằng họ đang ở một vị thế cao hơn các nước châu Á khác về kinh tế lẫn quân sự. Điều này lý giải vì sao họ sẵn sàng thách thức các nước khác mà không ngại bị trả đũa. Vậy câu hỏi đặt ra là ai sẽ đứng lên chống lại sức ảnh hưởng của Bắc Kinh? Có lẽ ngoài Mỹ không có quốc gia nào sẵn sàng trở thành đối thủ và thách thức các lợi ích của TQ” - chuyên gia Grant Newsham nhận định.
Mỹ sẽ đối đầu với Trung Quốc như thế nào? Trả lời tờ Asia Times, GS Richard Javad Heydarian, ĐH De La Salle (Philippines), cho rằng Mỹ trong khuôn khổ chiến lược chống TQ cần phải tìm cách giành được ủng hộ của các nước lớn khác trong khu vực như Ấn Độ, Hàn Quốc hay Nhật Bản. “Mối lo ngại về một TQ ngày càng hung hăng đang thúc đẩy các sáng kiến ngoại giao liên kết mới giữa Mỹ và các đối tác lớn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các sáng kiến này đi theo hướng rằng Mỹ đang xây dựng một chiến lược kiểm soát quyền lực kiểu Chiến tranh lạnh để đối phó TQ, dù điều này có làm gia tăng nguy cơ đối đầu quân sự” - ông Heydarian nói. Bên cạnh đó, Mỹ cũng cần phải đối xử với các nước châu Á như những người bạn để hợp tác cùng có lợi cho đôi bên. “Đừng thúc ép họ phải đưa ra các lợi ích về vật chất để đổi lấy quan hệ ngoại giao. Đây đang là thời điểm tốt nhất để Mỹ cạnh tranh ảnh hưởng với TQ tại khu vực này” - GS Richard Javad Heydarian nhận xét. |