Đối phó Trung Quốc, ông Biden học được gì từ ông Trump?

Năm 2008, khi đang tranh cử phó tổng thống, ông Joe Biden - người khi đó là thượng nghị sĩ đảng Dân chủ từ bang Delaware đã nói với những người ủng hộ rằng thế giới sẽ "kiểm tra dũng khí" của ông Barack Obama. Và bây giờ, khi đã chính thức là tổng thống Mỹ, đã đến lúc ông Biden phải "làm bài kiểm tra" này.

Tổng thống Joe Biden. Ảnh: AP

Trong bốn năm tới, ông Biden phải đối mặt với một loạt thách thức về chính sách đối ngoại, từ việc hàn gắn các liên minh bị rạn nứt cho đến việc thực hiện các trách nhiệm toàn cầu.

Đứng đầu trong số rất nhiều câu hỏi hóc búa là mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc, khi nước này tiếp tục thách thức quyền lực của Mỹ trên toàn cầu. Ngoài ra, việc phải kế thừa sự thâm hụt về lòng tin lớn do ông Trump tạo ra cũng được xem là một phép thử lớn với tân tổng thống.

Trung Quốc đang ở đâu?

Tờ The Japan Times đã đưa ra gợi ý về những khó khăn trước mắt cũng như các mối đe dọa từ Trung Quốc mà chính quyền ông Biden có thể cân nhắc để chiếm được ưu thế.

Về đối nội, Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng nền kinh tế quốc gia đang có xu hướng đi xuống. Việc áp dụng chính sách một con vào cuối những năm 1970 đã gây ra tình trạng thiếu lao động và khiến nền kinh tế tiêu dùng chững lại do người dân cắt giảm chi tiêu để tiết kiệm cho tương lai.

Cùng với áp lực kinh tế, sự bất bình đẳng ngày càng tăng liên quan đại dịch COVID-19 cũng khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế bền vững của Trung Quốc trở nên ảm đạm.

Các chuyên gia dự báo nhiều khả năng Trung Quốc  dùng hành vi quyết đoán trong khu vực để đánh lạc hướng dân chúng khỏi những thách thức kinh tế trong nước. Điều này sẽ khiến Trung Quốc trở thành một đối thủ tầm cỡ của Mỹ.

Ông Biden cũng cần giải quyết các thách thức mang tính quốc tế của Trung Quốc. Điều này bao gồm chiến lược dài hạn của Trung Quốc nhằm định hình lại cấu trúc kinh tế - chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường và nỗ lực thống trị các công nghệ như trí tuệ nhân tạo và mạng 5G, Bắc Kinh dần lộ rõ tham vọng can thiệp kinh tế với tất cả các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, các hành vi hung hăng ở Biển Đông, biển Hoa Đông và dãy Himalaya, và các chiến dịch gây ảnh hưởng chính trị cũng như lôi kéo các đồng minh của Mỹ cũng sẽ thử thách chính quyền ông Biden.

Bài học từ ông Trump

Theo The Japan Times, một chính quyền Biden muốn thành công sẽ cần học hỏi và thích ứng từ những thành công và thất bại của cựu Tổng thống Donald Trump. Trước đó, ứng viên Ngoại trưởng Antony Blinken thừa nhận rõ ràng tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện rằng ông tin rằng "Tổng thống Trump đã đúng khi thực hiện một cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc".

Cựu tổng thống Donald Trump. Ảnh: AP

Sự cứng rắn của ông Trump về các vấn đề Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương và việc duy trì đối thoại an ninh với Bộ tứ kim cương (nhóm bốn nước gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật và Úc) đều là những chính sách cần được tiếp tục.

Ngược lại, chính quyền ông Biden cũng cần tái cấu trúc các liên minh của mình thông qua việc chia sẻ gánh nặng chi phí quốc phòng bằng tham vấn ngoại giao thay vì gây sức ép như cách ông Trump đã làm đối với Hàn Quốc và Nhật.

Đặc biệt, chủ nghĩa đơn phương của ông Trump và cách tiếp cận theo ý thức hệ thiếu nhất quán của ông Trump đối với Trung Quốc cũng cần được tránh xa một cách dứt khoát.

Điểm mới trong cách tiếp cận của ông Biden

Hiện tại, ông Biden đang thể hiện mong muốn đánh giá lại xem đâu mới thực sự là thách thức từ Trung Quốc. Thông qua các cuộc gặp quan trọng và trở lại với các cam kết quốc tế, ông Biden đặt mục tiêu tiếp cận với Trung Quốc trên ba góc độ: cạnh tranh, hợp tác và đối đầu.

Có thể thấy, một điều rõ ràng trong cách tiếp cận của ông Biden là ông coi trọng kinh nghiệm thể chế, chủ nghĩa đa phương và chính sách đối ngoại đặt các liên minh lên hàng đầu.

Dấu hiệu rõ ràng nhất về cách tiếp cận đó là việc bổ nhiệm ông Kurt Campbell làm điều phối viên các vấn đề ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông Campbell vốn là người thân thuộc với chính sách "xoay trục sang châu Á" và có kinh nghiệm đối phó với một loạt thách thức ở khu vực, bao gồm cả Triều Tiên và Trung Quốc.

Việc đề cử ông Antony Blinken làm ngoại trưởng và bà Lauren Rosenburger, cựu giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia về Trung Quốc và Triều Tiên làm thứ trưởng ngoại giao cũng góp phần truyền thông điệp của ông Biden rằng ông ưu tiên các liên minh, chủ nghĩa đa phương và chuyên môn.

Việc đề cử bà Shanthi Kalathil làm điều phối viên dân chủ và nhân quyền và ông Tarun Chhabra làm giám đốc cấp cao về công nghệ và an ninh quốc gia cho thấy cách chính quyền ông Biden nhìn nhận về Trung Quốc. Chính quyền ông nhiều khả năng sẽ tập trung vào cạnh tranh công nghệ, thúc đẩy dân chủ và nhân quyền.

Ngoài ra, ông Biden cũng thể hiện rõ lập trường về quan hệ hợp tác liên minh với Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga vào tháng 11-2020. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một "khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an toàn và thịnh vượng" trong các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo Úc, Nhật và Hàn Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm