Hãng Reuters đưa tin Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel ngày 5-7 cho biết Liên minh châu Âu (EU) “có chung tiếng nói” trong việc lên án quyết định của Belarus khi cho phép người di cư bất hợp pháp vào Lithuania nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của EU.
Động thái trên được đưa ra sau khi chính phủ Lithuania hôm 2-7 đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc khi dòng người di cư, chủ yếu là người Iraq di cư từ Belarus lên khoảng 150 người mỗi ngày, nhiều hơn so với lượng người nhập cư hàng năm trong ba năm trước.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel. Ảnh: REUTERS
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda tại thủ đô Vilnius hôm 6-7, ông Michel cho biết: “Các đồng nghiệp của tôi ở Hội đồng châu Âu có quan điểm rất rõ ràng rằng chính quyền Belarus đang sử dụng tình trạng di cư bất thường để cố gắng gây áp lực lên EU, gồm cả Lithuania”.
"EU kịch liệt, và có cùng chung tiếng nói, lên án việc gây sức ép bằng cách sử dụng người di cư. Tôi muốn bày tỏ sự đoàn kết của EU" - ông Michel nói.
"Đó là mong muốn cá nhân của tôi để đảm bảo với Lithuania về sự đoàn kết của các quốc gia thành viên" – ông Michel nói thêm.
Ông Michel cũng cho hay sẽ trao đổi với tổng thống Iraq vào tuần tới để thảo luận về việc hồi hương các công dân Iraq.
Ông Michel đưa ra cam kết rằng các sĩ quan thuộc cơ quan biên giới và tuần duyên của EU Frontex sẽ được điều động thêm để giúp tuần tra biên giới Litva-Belarus.
Theo Reuters, từ ngày 2-7 đến ngày 5-7, 560 người di cư đã vượt qua biên giới dài 679 km giữa Lithuania và Belarus, nâng tổng số lên 1.232 người trong năm nay.
Cũng tại buổi họp báo hôm 5-7, ông Nauseda cho biết: “Rất phức tạp khi liên lạc với một chính quyền mà chúng tôi không công nhận tính hợp pháp, và việc đưa người di cư đến không phải do nhầm lẫn hay sơ suất, mà là có chủ ý - như một công cụ chính trị”.
Trước đó, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 26-5 cho biết nước này sẽ không còn ngăn cản người di cư vượt biên giới phía Tây vào EU.
Động thái trên được đưa ra sau khi EU áp đặt các lệnh trừng phạt liên quan vụ một máy bay của hãng hàng không Ryanair (Ireland) hôm 23-5 buộc phải hạ cánh xuống sân bay quốc tế Minsk (Belarus). Sau đó, giới chức Minsk đã bắt giữ hai hành khách trên chuyến bay là ông Roman Protasevich - người bị Belarus liệt vào danh sách phần tử có liên hệ với khủng bố - và bạn gái của ông này.
Chính quyền ở Vilnius đã chỉ đạo xây dựng một khu vực lều tạm trú có thể chứa khoảng 1.000 người và yêu cầu tất cả các thành phố trực bố trí địa điểm để làm nơi ở cho những người di cư.