G7 và cam kết kiềm dịch, khôi phục kinh tế toàn cầu hậu COVID-19

Từ ngày 11 đến 13-6 (giờ địa phương), lãnh đạo các nước thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7 - gồm Mỹ, Đức, Anh, Nhật, Pháp, Ý, Canada và đại diện của Liên minh châu Âu) sẽ họp thượng đỉnh tại khu nghỉ mát Carbis Bay thuộc hạt Cornwall phía tây nam Anh.

G7 họp trong bối cảnh thế giới đã năm thứ hai chìm trong đại dịch COVID-19, cùng với sự trỗi dậy của hàng loạt vấn đề lớn như sự cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, lẫn thách thức đổi mới các thiết chế thương mại và tài chính toàn cầu. Do đó sự kiện lần này rất được cộng đồng quốc tế chú ý.

G7 dẫn đầu đẩy lùi COVID-19

Là một tổ chức kinh tế hàng đầu thế giới với tổng GDP các thành viên khoảng 33.930 tỉ USD, chiếm 39% GDP toàn cầu, mọi động thái của G7 liên quan tới vấn đề COVID-19 có sức tác động hết sức đáng kể.

Ngày 10-6, Văn phòng Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết các lãnh đạo G7 dự kiến sẽ thông qua kế hoạch cung cấp ít nhất 1 tỉ liều vaccine ngừa COVID-19 để hỗ trợ tiêm chủng cho ít nhất 80% dân số là người trưởng thành trên thế giới, tiến tới kiểm soát thành công đại dịch trước năm 2022.

Trước đó cùng ngày, hãng tin Reuters dẫn lời một số quan chức Mỹ cho biết Nhà Trắng có kế hoạch tặng 500 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech cho gần 100 quốc gia từ đây đến khoảng tháng 6-2022.

Một số thành viên khác của G7 cũng đang lên kế hoạch viện trợ vaccine. Anh cam kết tặng 100 triệu liều; Pháp, Đức và Nhật mỗi nước cam kết tặng 30 triệu, còn Ý là 15 triệu. Giới chức Canada thì vẫn đang thảo luận về vấn đề này, chưa đưa ra con số cụ thể. Liên minh châu Âu (EU) hồi cuối tháng 5 từng tuyên bố viện trợ ít nhất 100 triệu liều trong năm nay.

Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) tại Carbis Bay, hạt Cornwall, tây nam Anh. Ảnh: INDEPENDENT

Ngoài các thành viên chính thức G7, hội nghị năm nay có lãnh đạo, đại diện từ các quốc gia khách mời là Hàn Quốc, Úc và Ấn Độ. Với ba trong bốn nước khách mời đến từ châu Á, nhiều khả năng G7 đang muốn chuyển trọng tâm phát triển từ Tây sang Đông - đặc biệt khi khu vực này đang chịu sức ép từ TQ. 

Trả lời phỏng vấn tờ The Guardian, Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận chống đói nghèo One (Anh) - bà Romilly Greenhill nhận định mục tiêu tiêm chủng của G7 dù có vẻ tham vọng nhưng thực tế lại là điều rất cần thiết trong thời điểm hiện tại. Theo bà, thế giới cần thiết phải hướng tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng, với ít nhất 70% dân số được tiêm chủng trước năm 2022. Sự hỗ trợ của G7 sẽ giúp thế giới đến gần mục tiêu đó hơn.

Chuyên gia Liam Sollis, thuộc Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) Chi nhánh Anh, cũng nhấn mạnh việc phân phối vaccine một cách công bằng là ưu tiên hàng đầu, sau đó là phải tập trung mở rộng quy mô sản xuất để đảm bảo có đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu mọi quốc gia.

Tái thiết hậu dịch, không thể thiếu G7

Bên cạnh đó, nỗ lực phục hồi kinh tế thế giới cũng sẽ không thể thực hiện đầy đủ và nhanh chóng nếu thiếu đi sự hỗ trợ của các thành viên G7. Trong bài viết mới đây cho kênh Channel News Asia, cựu chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) Nicholas Stern nhận định kinh tế G7 không thể phát triển một mình, tách khỏi kinh tế thế giới; việc hỗ trợ tái thiết toàn cầu không chỉ có lợi cho các nước khác mà còn còn giúp G7 nối lại các hoạt động thương mại quốc tế dễ dàng hơn.

Do đó, ông Stern đề xuất G7 nên tập trung dành khoảng vài phần trăm GDP toàn nhóm để tập trung đầu tư hoặc cho các nước đang phát triển vay ưu đãi nhằm giảm thiểu gánh nặng thiệt hại kinh tế do đại dịch. “Đây cần phải là ưu tiên trọng tâm G7, không kém gì kế hoạch viện trợ vaccine và đẩy lùi đại dịch. Cán cân thương mại của 10 năm tới được dự đoán sẽ ngả về phía các nước được cho là đang phát triển hiện nay. Nếu không hành động sớm thì toàn thế giới sẽ phải gánh chịu thiệt hại tương đương hàng chục năm và không thể đạt được các mục tiêu phát triển cao hơn như chương trình phát triển bền vững do Liên Hợp Quốc đặt ra” - ông Stern nhận định.

Tiến tới định hình kinh tế xanh

Không chỉ vấn đề khôi phục kinh tế, chuyên gia Stern còn cho rằng đây là lúc thích hợp để G7 lãnh đạo, dẫn dắt thế giới tiến tới phủ xanh nền kinh tế toàn cầu. Hầu hết các phân tích hiện nay đều chỉ ra rằng kinh tế xanh không chỉ có lợi cho môi trường và con người mà còn đem lại lợi nhuận đầu tư hiệu quả.

“Nhóm G7 nên nhân kỳ thượng đỉnh lần này đề ra một văn kiện chính thức về cam kết giảm thiểu khí thải và chuyển dần sang sử dụng năng lượng sạch. Ví dụ, họ có thể cam kết sản xuất 80% điện năng bằng các nguồn năng lượng không có khí thải hoặc đảm bảo tỉ lệ xây dựng 100 trạm sạc xe điện cho mỗi 100.000 người dân trước năm 2023” - ông Stern gợi ý.

G7 cũng nên giúp các nước đang phát triển chuyển dịch sang kinh tế xanh và giải quyết các vấn đề môi trường để đảm bảo những nước này theo kịp đà phát triển của những nước phát triển hơn. Đề xuất ngân sách của ông Stern cho kế hoạch này là khoảng 100 tỉ USD mỗi năm.

Theo ông, dù là thảm kịch khủng khiếp với toàn nhân loại, COVID-19 cũng là cơ hội để thế giới xét lại và điều chỉnh mô hình kinh tế cho một tương lai tốt đẹp hơn. Hơn cả sự kiện chính trị thông thường, kỳ thượng đỉnh G7 lần này có thể vừa là bước ngoặt trong cuộc chiến chống COVID-19 vừa là điểm bắt đầu cho một nền kinh tế toàn cầu khỏe mạnh hơn, bền vững hơn.

Vấn đề Nga, Trung Quốc cũng sẽ được thảo luận

Căng thẳng giữa các nước G7 với Nga và TQ đang ở mức cao. Theo Reuters, trước khi đến Anh, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo rằng Nga phải đối mặt với những hậu quả “mạnh và đáng kể” nếu tiếp tục thực hiện cái mà ông gọi là “những hành động tiêu cực”. Ông Biden dự kiến sẽ gặp trực tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 16-6 tới. Nhà Trắng cho biết nội dung cuộc gặp là toàn bộ vấn đề cấp bách bao gồm kiểm soát vũ khí, biến đổi khí hậu, tình hình Ukraine, tấn công mạng…

Về quan hệ với TQ, chuyên gia Feng Zhongping thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định với tờ South China Morning Post rằng G7 chắc chắn sẽ tìm đối sách chung với các sáng kiến của Bắc Kinh như Vành đai - Con đường, chính sách ngoại giao vaccine của TQ và những câu hỏi về an ninh của công nghệ 5G. Tuy nhiên, ông Feng Zhongping vẫn tỏ ra hoài nghi về khả năng các nước G7 thật sự tìm được tiếng nói chung.

Trong khi đó, chuyên gia Andrew Small thuộc Quỹ Marshall (Mỹ) tin thượng đỉnh lần này sẽ là cơ hội để G7 hướng tới đúc kết một chiến lược toàn diện, mang tính đoàn kết để kiềm chế TQ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm