Giải mã chiến lược của Trung Quốc nhằm làm suy yếu Mỹ

Ngày 13-4, tờ The New York Times đã công bố báo cáo thường niên dài 27 trang của Văn phòng giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ (ODNI) với nội dung khẳng định Trung Quốc (TQ) hiện đang là mối đe dọa hàng đầu của Mỹ và đang lên kế hoạch đẩy mạnh ảnh hưởng toàn cầu.

Trên thực tế, không chỉ giới lãnh đạo Mỹ mà các chuyên gia gần đây cũng đã cảnh báo về việc TQ đang có kế hoạch áp dụng các chiến lược mạnh tay và chủ động hơn trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia, phần lớn là phương Tây, ngả về phía Mỹ để thành lập cái gọi là “Liên minh dân chủ” - tạo ra sức ép tập thể để buộc TQ phải khuất phục và tôn trọng trật tự thế giới hiện tại.

Người dân Trung Quốc xem triển lãm về cuộc chiến chống dịch COVID-19
tại một bảo tàng ở TP Vũ Hán hồi tháng 2. Ảnh: GETTY IMAGES

TQ chống liên minh của Mỹ thế nào?

Như đã nói ở trên, nhiều nước phương Tây và một số nước ở châu Á hiện nay đang ngày càng tỏ ý ủng hộ sáng kiến thành lập một liên minh toàn diện chống TQ do Mỹ dẫn đầu. Theo bài viết của Viện nghiên cứu chính sách Jamestown Foundation (Mỹ), chính quyền Tổng thống Joe Biden thời gian qua đã rất tích cực hoạt động để củng cố các mạng lưới đồng minh, đối tác ở châu Âu và châu Á cùng chung ý định đối đầu với sức ảnh hưởng ngày càng lan rộng của TQ. Hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo “bộ tứ kim cương” (Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ) ngày 12-3 cùng chuyến thăm Brussels (Bỉ) ngày 24-3 của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken để gặp các lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề TQ là hai minh chứng mới nhất và rõ ràng nhất cho ý định của Washington.

Theo đánh giá của Jamestown Foundation, kết quả của những chuyến đi này về cơ bản là cực kỳ thành công khi EU ngày 21-3 lần đầu tiên kể từ năm 1989 đã công bố lệnh trừng phạt nhằm vào TQ với cáo buộc nước này vi phạm quyền con người đối với người Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương, kéo theo Anh và Canada cũng ra trừng phạt tương tự.

Đáp trả lại, TQ cũng trừng phạt một loạt quan chức và cơ quan EU, Mỹ và Canada. Nước này cũng tăng cường điều tàu chiến và máy bay quân sự hoạt động ở các vùng biển như Biển Đông và biển Hoa Đông - nơi Mỹ cùng các đồng minh, đối tác hoạt động liên tục để chứng tỏ nước này sẽ không nhượng bộ lập trường đối đầu cứng rắn.

 

Khi nói tới vấn đề Tân Cương, việc ủng hộ hay im lặng từ phía các nước Trung Đông là một trong các thành tựu của chính sách đối ngoại TQ trong khu vực. Một phần trong thành tựu đó là hạ vấn đề này xuống rất thấp trong chương trình nghị sự quan hệ TQ với khu vực đó.

Viện nghiên cứu chính sách Jamestown Foundation

Bắc Kinh cũng tìm cách chia rẽ quan hệ giữa Mỹ - EU và giữa các thành viên EU với nhau khi trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận đầu tư EU - TQ gần đây, TQ chỉ chấp nhận đàm phán chủ yếu với từng nước thành viên thay vì đàm phán với đại diện chung là EU nhằm tìm cách lợi dụng sự khác biệt trong tìm kiếm lợi ích kinh tế của mỗi thành viên để gây mâu thuẫn. Bên cạnh đó, giới lãnh đạo TQ cũng nhiều lần điện đàm với các lãnh đạo những nước đầu tàu EU như Pháp hay Đức để tìm cách thuyết phục họ rằng hợp tác với TQ có lợi hơn hợp tác với Mỹ, vì TQ không có tham vọng lãnh đạo thế giới và sẵn sàng bắt tay đôi bên cùng có lợi.

Tìm hậu thuẫn ở Trung Đông

Theo Jamestown Foundation, giới quan sát cho rằng TQ cũng đang nỗ lực chứng tỏ bản thân là một sự thay thế tốt cho vị trí lãnh đạo của Mỹ bằng việc cố gắng tập hợp các nước Trung Đông theo mình để đối phó áp lực chỉ trích từ cộng đồng quốc tế. Trong chuyến thăm sáu nước ở khu vực này hồi tháng 3, Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị đã làm mới các cam kết về trợ giúp kinh tế hậu COVID-19 cũng như vaccine ngừa COVID-19. Đây là cơ hội để TQ giành sự ủng hộ trong vấn đề quyền con người ở Tân Cương.

Jamestown Foundation nhận định: Riêng về khu vực Trung Đông thì TQ hiện vẫn chưa có ý định thay thế hẳn sự hiện diện của Mỹ ở đây vì họ không có đủ ý chí chính trị và sức mạnh quân sự để làm vậy. Tuy nhiên, TQ vẫn muốn tự tạo cho mình hình ảnh về một lựa chọn thay thế Mỹ và gửi thông điệp này tới khu vực, và một phần trong lời kêu gọi của TQ đối với Trung Đông là thái độ đối với vấn đề quyền con người.

Tranh thủ ủng hộ ở Đông Nam Á

Giới quan sát nhận định ASEAN, nhất là các nước thành viên ASEAN, đang gặp khó khăn trong việc đạt sự đồng thuận về những vấn đề liên quan đến TQ. Dù đã kết nối với Bắc Kinh trong nhiều vấn đề khác nhau, từ hàng loạt khuôn khổ cho đến các cuộc tham vấn, ASEAN vẫn chưa tìm thấy hướng giải quyết cho những khúc mắc liên quan tới vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Nhận thức rõ được điều này, Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị hồi đầu tháng 4 đã đánh tiếng mời những người đồng cấp từ bốn nước có tiếng nói quan trọng trong ASEAN là Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines để hội đàm ở Bắc Kinh. Đây rõ ràng là cách mà Bắc Kinh sử dụng để tạo quan hệ tốt với ASEAN nhằm tìm cách ngăn ảnh hưởng của Mỹ lên khối này.

 

Trong kỳ họp Quốc hội TQ hồi đầu tháng 3, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã có bài phát biểu khẳng định “phương Tây đang yếu đi, còn phương Đông đang mạnh lên”. Ông Tập Cận Bình cho rằng: “Thời cơ và diễn biến đang nằm trong tay TQ. Cơ hội mà chúng ta đang có lớn hơn bất kỳ thử thách nào chúng ta đang phải đối mặt”.

Jamestown Foundation cho rằng các phát ngôn như vậy hoàn toàn trái ngược với quan điểm của Bắc Kinh những năm trước, như hồi Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị thăm TP New York năm 2018 từng nhấn mạnh “TQ không bao giờ có ý định tìm cách giành lấy vị thế của Mỹ”. Điều này cho thấy TQ đang ngày càng tỏ ra tự tin vào sức mạnh của họ trong cuộc cạnh tranh quyền lực với phương Tây, đến mức không cần che giấu ý định nữa mà có thể công khai tuyên bố và đứng vững trước các đòn đáp trả từ đối phương.

Đối với nước trong khu vực Đông Nam Á ngoài ASEAN là Timor-Leste, nước này những năm gần đây nhận rất nhiều khoản đầu tư từ TQ để giúp cải thiện tình trạng eo hẹp kinh tế đang gặp phải. Từ năm 2019, Bắc Kinh đã đề xuất đầu tư 20 dự án hạ tầng ở Timor-Leste với tổng giá trị tới hàng chục tỉ USD. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy dự án nào được nghiệm thu trong khi chính quyền Timor-Leste bị mất quyền sử dụng các vị trí đắc địa mà TQ dùng để thực thi dự án này. The Nikkei cảnh báo Timor-Leste phải hết sức cẩn trọng để tránh rơi vào “bẫy nợ” mà nhiều nước đồng ý cho TQ đầu tư, cũng như phải đề phòng việc TQ đòi hỏi bất cứ lợi ích chính trị nào khác ngoài kinh tế.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm