Chuyên gia: Lý do ASEAN theo dõi sát sao kỳ họp Lưỡng hội TQ

Trong bối cảnh Trung Quốc đang tổ chức kỳ họp Lưỡng hội thường niên, các quốc gia Đông Nam Á đang theo dõi sát sao những gì Bắc Kinh sẽ đưa ra về mục tiêu kinh tế, bao gồm cả chiến lược “tuần hoàn kép”, vốn tập trung vào tiêu dùng nội địa và phát triển trong nước.

Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 7-3 dẫn lời các nhà phân tích nhận định rằng ngay cả khi Trung Quốc tiếp tục chính sách “hướng nội” trên, Bắc Kinh vẫn sẽ tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác khu vực nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng.

Đồng thời, các chuyên gia cũng cho rằng các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thời gian tới vẫn sẽ hưởng lợi từ chiến lược của Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung, các nước nhỏ hơn có nguy cơ bị “mắc kẹt” trong quỹ đạo của Trung Quốc, do đó các nước cần đánh giá rủi ro khi hợp tác với Bắc Kinh.

Kỳ họp Quốc hội Trung Quốc tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh. Ảnh: XINHUA / SCMP

“Tuần hoàn kép” – Bắc Kinh sẽ hoàn toàn "hướng nội"?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên công bố chiến lược "tuần hoàn kép" hồi tháng 5-2020, theo đó kinh tế trong nước đóng vai trò động lực tăng trưởng chính với "bệ đỡ" từ đầu tư nước ngoài và công nghệ.

SCMP dẫn lời ông Hao Zhou - chuyên gia kinh tế cấp cao về các thị trường mới nổi khu vực châu Á thuộc ngân hàng Commerzbank – nhận định: “Chiến lược tuần hoàn kép có nghĩa là thị trường nội địa của Trung Quốc sẽ trở nên quan trọng hơn, nhưng Bắc Kinh cũng sẽ phải đảm bảo một thị trường xuất khẩu lớn hơn cho các sản phẩm của mình”.

“ASEAN là một phần của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và rõ ràng sẽ là một thị trường quan trọng đối với Trung Quốc” – ông Hao nói.

“Tuy nhiên, bên cạnh việc tìm kiếm cơ hội, các nước ASEAN cũng cần đánh giá rủi ro khi hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc, đặc biệt trong trường hợp Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt thương mại” – ông Hao lưu ý.

Theo dữ liệu của Trung Quốc, khối ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào ASEAN trong ba quý đầu năm 2020 đạt 10,72 tỉ USD, tăng 76,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, thương mại song phương giữa Trung Quốc và ASEAN đã tăng từ mức 292,8 tỉ USD năm 2010 lên 641,5 tỉ USD vào năm 2019.

Theo SCMP, phát biểu tại buỗi khai mạc kỳ họp Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa 13 sáng 5-3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết nước này sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng là 6%, cũng như giải quyết các vấn đề cản trở sự phục hồi kinh tế trong nước như rủi ro tài chính và thất nghiệp.

“Trung Quốc cũng sẽ tăng cường các cuộc đàm phán thương mại tự do với Nhật và Hàn Quốc, 'tích cực xem xét' việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)” – ông Lý cho biết.

Trong những ngày tới, các đại biểu Trung Quốc dự kiến sẽ thảo luận về báo cáo công việc, trong đó vạch ra các định hướng chính sách và thông qua ngân sách tài khóa năm 2021 của Trung Quốc cũng như kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025).

Đây sẽ là kế hoạch 5 năm đầu tiên mà Trung Quốc dành riêng một chương cho “Công nghệ”, trong đó nhấn mạnh khả năng tự cung tự cấp về công nghệ là một trụ cột chính cho sự phát triển kinh tế Trung Quốc.

Cơ hội cho ASEAN

SCMP dẫn lời bà Francoise Huang - chuyên gia kinh tế về châu Á - Thái Bình Dương tại công ty bảo hiểm Euler Hermes - cho biết vào cuối năm 2020, khoảng 15-20% xuất khẩu của các nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á là sang Trung Quốc.

Quan hệ kinh tế Trung Quốc - ASEAN. Ảnh: CHINA US FOCUS

Theo bà Huang, mặc dù tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tác động đến ASEAN, song điều cần chú tâm hiện nay chính là theo dõi “ngôn ngữ và mục tiêu” mà Bắc Kinh sẽ sử dụng để mô tả các chính sách tài khóa và tiền tệ của mình.

“Các mục tiêu như hạn ngạch phát hành trái phiếu chính phủ, thâm hụt tài chính, tăng trưởng tài chính tổng hợp, tăng trưởng cung tiền M2, v.v. cần được chú ý đặc biệt” – bà Huang nhấn mạnh, lưu ý thêm rằng các quốc gia Đông Nam Á nên đề phòng tác động của các kế hoạch phát triển công nghiệp của Trung Quốc.

Theo bà Huang, kết quả nghiên cứu của Euler Hermes chỉ ra một số quốc gia ở Đông Nam Á có khả năng nằm trong số những nước thua lỗ nhất trong trung hạn khi Trung Quốc thúc đẩy quyền tự chủ về công nghiệp.

Bà lý giải rằng do hàng hóa từ khu vực Đông Nam Á có xu hướng ít mang tính công nghệ cao hơn hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ, Nhật và Đức, vốn khó có thể bị thay thế hơn.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực bán dẫn, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã mất thị phần “gần như liên tục trong vài năm qua”, bà Huang cho biết.

SCMP dẫn lời ông Dane Chamorro - giám đốc điều hành cấp cao tại công ty tư vấn Control Risks – nhận định rằng Bắc Kinh đã “hoảng sợ” trước mức độ dễ tổn thương mà nước này có thể gánh phải khi Mỹ áp dụng chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với một số công nghệ như chip.

Theo ông Chamorro, điều này buộc Bắc Kinh phải chú trọng nhiều hơn vào việc đảm bảo các chuỗi cung ứng dễ bị tổn thương, nói thêm rằng Nhật, Đài Loan và các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia và Singapore có thể sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo ông Andrew Sheng - chuyên gia của Viện Nghiên cứu châu Á toàn cầu thuộc ĐH Hong Kong, với quy mô của nền kinh tế Trung Quốc, xuất khẩu sang nước này có phạm vi rất đa dạng. Điều này sẽ cho phép các nền kinh tế Đông Nam Á tập trung vào các sản phẩm phục vụ thị hiếu và tiêu chuẩn của Bắc Kinh.

“Trung Quốc sẽ không đóng cửa thị trường nội địa của mình với các nước láng giềng Đông Nam Á” - ông Sheng cho hay, nói thêm rằng có những lĩnh vực mà Trung Quốc có thể thúc đẩy với các nước để cải thiện thương mại và thanh toán, chẳng hạn các dự án thanh toán xuyên biên giới bằng tiền kỹ thuật số.

Kỳ họp Quốc hội Trung Quốc tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh. Ảnh: CGTN

Theo chuyên gia Alicia García-Herrero thuộc Viện chính sách châu Âu Bruegel, các nước Đông Nam Á có thể sẽ hưởng lợi từ việc Trung Quốc tiếp tục đầu tư vào khu vực và nỗ lực xây dựng “chuỗi cung ứng tập trung vào Trung Quốc ở Đông Nam Á”.

“Trung Quốc cần giữ Đông Nam Á trong hệ sinh thái của mình trong một thế giới đang phát triển hai mặt về công nghệ”- bà Garcia-Herrero cho biết, hàm ý sự cạnh tranh Mỹ - Trung cho vị trí siêu cường công nghệ.

SCMP dẫn lời ông Wang Yiwei - giám đốc Viện Các vấn đề Quốc tế tại ĐH Nhân dân Trung Quốc – cho rằng với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, Đông Nam Á có thể giúp Bắc Kinh duy trì kết nối quốc tế thời kỳ hậu COVID-19.

Theo ông, Trung Quốc và Đông Nam Á có thể hợp tác trong các lĩnh vực như kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, y tế và kinh tế xanh. Ngoài ra, việc mở rộng mạng lưới đường sắt Trung Quốc - châu Âu sẽ càng làm nổi bật tầm quan trọng của Đông Nam Á.

“Điều này càng đặc biệt trong thời đại thương mại điện tử và dữ liệu lớn, bao gồm cả tiền tệ kỹ thuật số. Với dân số trẻ, Đông Nam Á có vị trí thuận lợi để thực hiện việc chuyển đổi kỹ thuật số và tái cơ cấu công nghiệp” – ông Wang nói. 

Con dao hai lưỡi?

Tuy nhiên, việc hội nhập nhiều hơn vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc cũng đặt ra nhiều rủi ro cho Đông Nam Á, đặc biệt nếu Washington cố tình loại Bắc Kinh khỏi chuỗi cung ứng của chính họ trong các lĩnh vực công nghệ cao như xe điện và chất bán dẫn, SCMP dẫn lời chuyên gia Garcia-Herrero nhận định.

“Đông Nam Á có nguy cơ bị mắc kẹt trong hệ sinh thái chuỗi giá trị của Trung Quốc” – bà Garcia-Herrero nói.

Theo ông Dane Chamorro, các nước Đông Nam Á có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc sẽ gặp trở ngại trong các mối quan hệ thương mại với nước này. Điều này xuất phát từ việc nhu cầu từ Trung Quốc đã là một “cứu cánh” cho nền kinh tế của một số nước.

Ông Andrew Sheng cho rằng với việc Trung Quốc chú trọng nhiều hơn vào công nghệ và đổi mới trong việc nâng cao chất lượng tăng trưởng quốc gia, các nền kinh tế Đông Nam Á nên xem xét cách có thể nâng cấp các mô hình sản xuất và chuỗi cung ứng của mình.

“Họ phải đào tạo lại lực lượng lao động và tiến lên nấc thang đổi mới và công nghệ. Họ sẽ có thêm một nhiệm vụ, bởi vì chuỗi cung ứng của họ phải phù hợp với nhu cầu và tiêu chuẩn của cả Trung Quốc và phương Tây” – ông Sheng nói.

Hơn 5.000 đại biểu và cố vấn chính trị đang tập trung tại thủ đô Bắc Kinh tham gia kỳ họp Lưỡng hội, kỳ họp thường niên quan trọng của Trung Quốc.

Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân (Chính hiệp) và Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) đều sẽ họp tới ngày 10-3 để thảo luận và quyết định các vấn đề phát triển tương lai của Trung Quốc không chỉ trong năm 2021 mà về trung và dài hạn, thông qua các văn kiện như Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 14 (2021 - 2025) và tầm nhìn đến năm 2035.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm