Ngày 4-3, Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc (TQ) (CPPCC) khóa XIII đã khai mạc kỳ họp thứ tư tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh và sẽ kéo dài đến khoảng chiều 10-3, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin. Đáng chú ý, kỳ họp lần này của CPPCC diễn ra chỉ một ngày trước khi kỳ họp lần thứ tư của Đại hội đại biểu nhân dân TQ (Quốc hội) lần thứ XIII chính thức bắt đầu.
Việc hai cơ quan hàng đầu TQ họp cùng thời điểm cho thấy nhiều khả năng giới lãnh đạo nước này chuẩn bị đề ra chiến lược phát triển mới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục lây lan trên toàn cầu, gây ra nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội, bên cạnh thế đối đầu Mỹ-Trung leo thang căng thẳng trên nhiều lĩnh vực.
Tiêu điểm 7.200 tỉ USD là tổng nợ công năm ngoái của TQ, trong đó khoảng 3.000 tỉ USD là nợ chính quyền trung ương và hơn 4.000 tỉ USD còn lại là nợ của các chính quyền địa phương, theo tờ South China Morning Post. |
Trung Quốc chuẩn bị làm cách mạng công nghệ?
Theo hãng tin Bloomberg, Quốc hội TQ trong kỳ họp ngày 5-3 dự kiến sẽ thông qua kế hoạch năm năm thứ XIV giai đoạn 2021-2025. Nội dung dự thảo kế hoạch công bố hồi tháng 11 năm ngoái cho thấy TQ dự định đầu tư hàng ngàn tỉ USD để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước và khuyến khích tự lực trong lĩnh vực công nghệ cao mà Bộ Khoa học và Công nghệ nước này tuyên bố thuộc diện ưu tiên như năng lượng hydrogen, xe điện, siêu máy tính… Số tiền này cũng được dùng đẩy mạnh nguồn lực hỗ trợ phát triển công nghệ bán dẫn trong nước. Đây hầu hết là các lĩnh vực mà TQ đang đi sau các nước phương Tây và lâu nay phải nhập khẩu rất nhiều.
Tuần trước, tờ The Nikkei đưa tin giới buôn thiết bị TQ đang ồ ạt tìm cách thu mua các thiết bị phục vụ sản xuất chip đã qua sử dụng tại Nhật, khiến giá mặt hàng này tăng 20% so với năm ngoái. Một số thiết bị tối quan trọng như hệ thống in thạch bản thậm chí còn tăng gấp ba lần. Còn nhớ, cựu tổng thống Donald Trump khi còn tại vị đã nhiều lần ra lệnh không cho doanh nghiệp Mỹ bán thiết bị công nghệ cao cho TQ và thuyết phục các nước đồng minh làm điều tương tự. Việc mua thiết bị đã qua sử dụng của Nhật giúp TQ lách qua rào cản này dù phải tốn nhiều công sức nghiên cứu hơn.
Theo GS Barry Naughton thuộc ĐH California (Mỹ), “tham vọng công nghệ của TQ là lớn chưa từng thấy, lớn hơn cả Mỹ, Nhật hay Hàn Quốc trước đây”. Ông cho rằng “đây có thể là sự bắt đầu của một cuộc cách mạng công nghệ ở TQ mà phương Tây cần phải hết sức chú ý theo dõi”.
Định hướng công nghệ Trung Quốc trong 15 năm tới
Cũng về vấn đề phát triển công nghệ, giới lãnh đạo TQ cũng được kỳ vọng sẽ công bố chính thức kế hoạch China Standards 2035 (Tiêu chuẩn TQ 2035) được phác thảo từ năm 2018 đến nay. Kế hoạch chiến lược này được coi là bước tiếp theo của kế hoạch sản xuất toàn cầu “Made in China 2025” nhưng sẽ tập trung nhiều hơn vào các công nghệ chủ chốt trong 15 năm tới.
Cụ thể, theo đài CNBC, TQ hồi tháng 3 năm ngoái đã phát hành một tài liệu gọi là “Những điểm chính của công tác tiêu chuẩn hóa quốc gia 2020” nhấn mạnh việc cần thiết phải thiết lập “một hệ thống tiêu chuẩn thế hệ công nghệ thông tin và công nghệ sinh học mới”. Theo đó, TQ sẽ tập trung phát triển tiêu chuẩn cho Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, dữ liệu lớn, 5G và trí tuệ nhân tạo (AI). Đây đều được đánh giá là công nghệ tương lai quan trọng có thể làm nền tảng cho cơ sở hạ tầng quan trọng trên thế giới. Tài liệu còn nêu rõ sự cần thiết phải “tham gia vào hoạt động xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế” mang đặc trưng TQ.
“Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên được định hình bởi các mạng lưới hệ thống công nghệ mới. Dù vậy, chưa nước nào ở thời điểm hiện tại thật sự chiếm ưu thế ở lĩnh vực này và đây là cơ hội cho TQ. Đây là một cuộc đua mà bất cứ bên nào thắng cũng sẽ có quyền thay đổi cả thế giới” - Giám đốc công ty chuyên tư vấn rủi ro về thị trường TQ, người đồng sáng lập công ty tư vấn Horizon Advisory (Mỹ) Emily de La Bruyere nhận định.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE) hồi tháng 11-2020. Ảnh: AFP
Kinh tế Trung Quốc ảm đạm, nợ công cao
Trái với hình ảnh tích cực và định hướng triển vọng của lĩnh vực công nghệ thì nền kinh tế TQ do ảnh hưởng của COVID-19 tiếp tục năm 2021 với nhiều thông tin không mấy tốt đẹp. Tờ South China Morning Post mới đây dẫn lời cựu bộ trưởng Tài chính TQ Lou Jiwei cảnh báo các biện pháp khẩn cấp áp dụng vào năm 2020 đã làm tăng đáng kể rủi ro nợ ở mọi cấp chính quyền nước này.
Theo thống kê của Bloomberg, nợ công ở cấp địa phương TQ tăng lên bằng 90% tổng thu ngân sách của năm ngoái, tăng 7% so với năm 2019. “Chúng ta phải tiến hành những dàn xếp hợp lý đối với các chính sách về thâm hụt tài chính, nợ và chi tiêu và phải có những hành động đáng kể nhằm giải quyết rủi ro tiềm ẩn về nợ của địa phương. Có như vậy thì mới đủ thời gian để hoạch định cho các rủi ro trong tương lai” - ông Lou đề xuất.
South China Morning Post cho biết nếu như đề xuất này được cân nhắc thì rất có thể tại kỳ họp ngày 5-3, Quốc hội TQ sẽ có động thái điều chỉnh các chính sách hỗ trợ tài chính bằng cách giảm thâm hụt ngân sách cũng như giảm phát hành trái phiếu đặc biệt địa phương, đồng thời tăng ngân sách cho các dự án quan trọng như các chương trình phát triển công nghệ nói trên. Năm ngoái, chính phủ TQ đã phát hành tổng cộng hơn 3.000 tỉ USD trái phiếu để giúp hạn chế tác động của đại dịch COVID-19 và giải cứu các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.•
Hai kỳ họp của CPPCC và Quốc hội diễn ra trong lúc TQ đang chuẩn bị kỷ niệm mốc 100 năm thành lập đảng Cộng sản vào tháng 7. Vì lý do này, South China Morning Post nhận định các kỳ họp sẽ còn là dịp để TQ phô trương sức mạnh và tự tin trước các đối thủ trên trường quốc tế bằng các chương trình hay kế hoạch táo bạo. Hồi tháng 1, Chủ tịch Tập Cận Bình từng cảnh báo đất nước phải đối mặt với “những thách thức và cơ hội chưa từng có”, đồng thời yêu cầu Bộ Chính trị “tạo điều kiện xã hội thuận lợi” cho dịp kỷ niệm 100 năm. Các lãnh đạo TQ khác cũng cho biết họ sẽ đẩy mạnh nỗ lực duy trì trật tự chính trị và xã hội trước lễ kỷ niệm tháng 7 với Bộ trưởng Công an Zhao Kezhi yêu cầu lực lượng công an phải theo dõi, ứng phó với bất kỳ thách thức nào nhằm vào chính quyền TQ. |