Theo đài Channel News Asia, hãng AstraZeneca ngày 23-11 cho biết vaccine COVID-19 do họ điều chế có hiệu quả đến 90% trong các cuộc thử nghiệm gần đây. Đây được xem là một đóng góp đáng kể vào nỗ lực của nhân loại trong nỗ lực đối phó đại dịch COVID-19.
Hiệu quả trung bình của loại vaccine này là 70% trong lần thử nghiệm cuối cùng tại Brazil và Anh. Tuy nhiên, hiệu quả của vaccine sẽ tăng lên 90% nếu tiến hành liệu trình tiêm chủng nửa liều sau đó là một liều đầy đủ thay vì tiêm đầy đủ hai liều.
Hiện tại vẫn chưa ghi nhận bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào của loại vaccine này.
Vaccine của hãng AstraZeneca hợp tác cùng ĐH Oxford (Anh). Ảnh: AFB
AstraZeneca cũng cho biết hãng sẽ sản xuất 200 triệu liều trong năm 2020, gấp bốn lần so với đối thủ cạnh tranh là công ty Pfizer của Mỹ. Theo đó, hãng cũng sẵn sàng xuất xưởng 700 triệu liều tiếp theo chỉ trong quý 1 năm 2021.
“Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ có đủ vaccine cho cả thế giới”- ông Andrew Pollard, giám đốc nhóm phát triển vaccine COVID-19 thuộc ĐH Oxford cho biết.
Trước đó, cổ phiếu của AstraZeneca đã giảm gần 4% khi vaccine thử nghiệm cho thấy hiệu quả kém ấn tượng hơn so với Moderna và Pfizer. Hai loại vaccine này của Mỹ trước đó đã cho thấy hiệu quả lên đến 95%.
Tuy vậy, vaccine AstraZeneca cũng cho thấy điểm mạnh của nó trong cuộc đua vaccine toàn cầu. Vaccine AstraZeneca có chi phí thấp hơn so với hai loại vaccine được điều chế với công nghệ phức tạp của Pfizer và Moderna.
Đồng thời nó cũng có thể vận chuyển và bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh bình thường. Điều này sẽ giúp cho quá trình phân phối dễ dàng hơn, đặc biệt là ở các nước nghèo.
Tại những nước kém phát triển, nơi mà hệ thống phân phối vẫn còn là một thách thức thì vaccine AstraZeneca hiển nhiên trở thành một lựa chọn tối ưu.
Bộ trưởng Bộ Y tế Bangladesh Zahid Malequa cho biết: “Lợi thế lớn nhất của loại vaccine này là nó có thể vận chuyển và bảo quản chỉ ở nhiệt độ từ 2-8 độ C và chúng tôi có thể đáp ứng điều kiện đó”.
Tuy vậy, vaccine AstraZeneca cũng đang phải đối mặt với một số chỉ trích từ nhà Ngân hàng đầu tư SVB Leerink. Ngân hàng này cho rằng AstraZeneca đã không tiết lộ đầy đủ thông tin về các cuộc thử nghiệm vaccine của mình.
Nhà phân tích Geoffrey Porges của Leerink cũng cho biết vaccine AstraZeneca khó có thể đạt được sự chấp thuận từ Mỹ khi các cuộc thử nghiệm của hãng này không bao gôm nhóm người dễ bị tổn thương, chẳng hạn như người cao tuổi.