Hé lộ nguyên nhân thật sự của việc Mỹ canh giữ mỏ dầu Syria

Sau quyết định được cho là “phản bội” người Kurd hồi tháng trước, Washington thay đổi chiến thuật, giữ lại khoảng 800 binh sĩ để bảo vệ các mỏ dầu ở Syria. Quân đội Mỹ sẽ chiếm một khu vực rộng lớn, giàu dầu mỏ kéo dài 150 km từ Deir Ez-Zor đến al-Hasakah, các quan chức chính quyền giấu tên nói với hãng tin AP. Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó bày tỏ sẵn sàng canh giữ dầu mỏ Syria, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper biện minh việc quân đội Mỹ ở lại Syria là vì cần thiết phải bảo vệ các mỏ dầu nhằm tránh rơi vào tay các tay súng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Quyết định phật lòng Nga và Syria

Động thái mới nhất này của Mỹ chắc chắn sẽ “phật lòng” cả Nga và Syria. Washington tuyên bố công khai họ để quân ở chiến trường đất nước Ả Rập này là để bảo vệ các mỏ dầu Syria trước lực lượng khủng bố và thậm chí cả chính phủ Damascus.

Quyết định rút quân của Mỹ trước đây được cho là sẽ giúp Moscow có vị trí chủ chốt ở Syria và trao cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cơ hội giành lại được một phần lãnh thổ rộng lớn mà họ từng chật vật nhưng vẫn chưa giành lại được. Vì thế, việc quân đội Mỹ ở lại “canh giữ” các mỏ dầu đã ngăn chặn Damascus tiếp cận nhiều lợi ích kinh tế có thể giúp ông al-Assad tái thiết Syria sau chiến tranh. Mặt khác, việc không được tiếp cận vào các mỏ dầu ở đông bắc Syria chắc chắn sẽ khiến Nga gặp khó trong quá trình giúp đỡ đồng minh xây dựng lại đất nước, cũng như khiến lợi ích kinh tế mà Nga muốn có được ở Syria giảm đi rất nhiều.

Trong tình hình này, Moscow tuyên bố sẽ không hợp tác với Washington về việc kiểm soát và khai thác các mỏ dầu ở Syria. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin, sự hiện diện bất hợp pháp về mặt quân sự của Mỹ ở Syria đi ngược với luật pháp quốc tế và những mỏ dầu này là di sản của đất nước và nhân dân Syria. Trước đó Bộ Quốc phòng Nga cũng cáo buộc Mỹ hỗ trợ tuồn dầu của Syria khỏi đất nước.

Đối với chính phủ Syria, sự hiện diện của Mỹ ở quốc gia Ả Rập này cũng là bất hợp pháp vì không có sự ủy nhiệm của Liên Hiệp Quốc, cũng không có sự đồng ý của chính phủ Syria.

Hãng thông tấn SANA (Syria) ngày 7-11 đưa tin quân đội Syria đã triển khai lực lượng gần TP Qamishli ở phía đông bắc đất nước, đặc biệt gần làng Mulla Abbas và giành quyền kiểm soát mỏ dầu Rumailan mà Damascus đã để mất vài năm trước trong cuộc nội chiến. Khu vực này nằm ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. Hiện tại Damascus chỉ kiểm soát một phần nhỏ các mỏ dầu của đất nước, còn phần lớn mỏ dầu thuộc quyền kiểm soát của lực lượng dân quân người Kurd và quân đội Mỹ.

Một thành viên của Đơn vị bảo vệ người Kurd (YPG) đang đứng canh khi các xe bọc thép của quân đội Mỹ và binh sĩ tuần tra gần một giếng dầu ở Syria. Ảnh: AFP

Vấn đề pháp lý trong chính sách Syria

Sự thay đổi đột ngột trong chính sách Syria của Washington đã từng nhận nhiều lời cảnh báo từ Bộ Quốc phòng Mỹ. Mới đây, nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ William Roebuck đã công khai chỉ trích những nỗ lực “chưa tới” của chính quyền ông Trump trong việc ngăn cản chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Bản báo cáo của ông Roebuck là tài liệu chính thức đầu tiên bày tỏ thái độ bất đồng về vấn đề Syria từ một quan chức trong nội bộ chính quyền Tổng thống Trump được công bố trước dư luận.

Mọi người trong khu vực đều biết lực lượng Mỹ đang chiếm đóng ở đâu. Chúng tôi sẽ làm việc để đảm bảo không ai có thể tiếp cận hoặc có ý định thù địch với lực lượng của chúng tôi. Các chỉ huy của chúng tôi sẽ có quyền tự vệ nếu có nguy hiểm xảy ra.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc JONATHAN HOFFMAN 

Theo bà Kayleigh Thomas, nghiên cứu viên tại Trung tâm an ninh Mỹ mới (CNAS), chính sách của Mỹ ở miền Đông Syria trong những ngày này giống như một nỗ lực xây dựng một chiếc máy bay vốn đã cất cánh. “Nếu như bị lực lượng chính phủ Syria tấn công, liệu quân đội Mỹ sẽ chiến đấu để tự vệ? Đây là một vấn đề pháp lý cần được bàn luận thêm” - bà Thomas nhận định.

Theo tờ The Guardian, hành động của Mỹ có thể vi phạm Đạo luật Ủy quyền sử dụng lực lượng quân sự (AUMF), được Quốc hội Mỹ thông qua sau vụ tấn công ngày 11-9-2001 nhằm vào các hoạt động chống lại lực lượng của al-Qaeda và Hồi giáo. Đạo luật này vốn được sử dụng để biện minh cho sự can thiệp vũ trang của Mỹ trên khắp Trung Đông.

Nhà phân tích Nicholas Heras còn cho rằng lý do thực sự của việc Washington điều động cơ giới đến các mỏ dầu là để giữ những nguồn lợi kinh tế này khỏi tay của chính phủ Syria và những người ủng hộ Nga. “Quân đội cần những lực lượng nhanh nhẹn hơn để chống lại lực lượng IS. Khi mùa đông đang tới và chính phủ Syria đang cạn kiệt nguồn cung cấp năng lượng, việc kiểm soát các mỏ dầu sẽ duy trì một số đòn bẩy trong khu vực” - ông Heras nhận xét.

Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Syria được dự báo sẽ tiếp tục gây ra nhiều mâu thuẫn và bất ổn trong thời gian tới, khi Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ Syria và quân đội Nga đang di chuyển đến các khu vực do Lực lượng dân chủ Syria (SDF) điều hành. Và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ có chuyến thăm đến Nhà Trắng vào tuần tới.

Những thay đổi đột ngột trong chính sách Syria của Mỹ

Washington từng thông báo rút binh sĩ khỏi Syria hồi tháng 10, chỉ vài ngày trước khi Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự đánh lực lượng dân quân người Kurd - đồng minh của Mỹ ở miền Bắc và Đông Bắc Syria. Được biết Mỹ đang xây dựng hai căn cứ quân sự mới ở Deir Ez-Zor. Một trong hai căn cứ được biết nằm gần thị trấn Rmelan, thuộc tỉnh al-Hasakah. Có thông tin Mỹ đã triển khai đến đây khoảng 250-300 binh sĩ với nhiều phương tiện thi công, phương tiện vận tải bọc thép và vũ khí. Đây được cho là khu vực nhiều dầu mỏ nhất của Syria với gần 1.300 giếng dầu và rộng khoảng 4 km2

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm