Tờ South China Morning Post ngày 21-11 dẫn một nghiên cứu mới công bố của nhà nghiên cứu Wu Huaizhong thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc khẳng định đang có nhiều dấu hiệu cho thấy Nhật và Mỹ đã thảo luận sâu về khả năng can thiệp quân sự trong kịch bản Bắc Kinh đổ quân thu hồi Đài Loan.
"Nhật gần đây liên tục phát tín hiệu thông qua các kênh ngoại giao chính thức lẫn phát ngôn của lãnh đạo rằng họ đang chú ý tới vấn đề Đài Loan, bên cạnh những động thái thực tế hơn với Mỹ dưới tư cách là đồng minh" - ông Huaizhong cho biết.
Đơn cử, ông chỉ ra số lượng các lần tập trận hàng hải giữa Nhật và Mỹ những năm qua đang tăng dần, với lần gần nhất diễn ra ngày 16-11 khi hai nước này tổ chức đợt diễn tập sân ngầm đầu tiên trong lịch sử ở Biển Đông.
Các lực lượng Mỹ và Nhật trong cuộc tập trận hàng hải ở Biển Đông ngày 16-11. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG NHẬT
Điều 9 Hiến pháp Nhật về lý thuyết không cho phép Nhật xây dựng quân đội chính thức với đầy đủ các quân chủng cơ bản mà chỉ được tổ chức lực lượng phòng vệ và không được tham gia chủ động vào các cuộc xung đột quân sự trên toàn cầu.
Tuy nhiên, nước này từ khoảng đầu năm 1992 đã bắt đầu gửi binh sĩ của lực lượng phòng vệ tham gia các sứ mệnh quốc tế của Liên Hợp Quốc - tức tiền lệ Nhật gửi quân tham chiến ngoài lãnh thổ đã có sẵn.
Bên cạnh đó, Quốc hội Nhật năm 2015 từng thông qua luật an ninh quốc gia có nội dung cho phép chính phủ tham gia vào các nỗ lực "phòng thủ chung" với các nước khác nếu chứng minh được là có lợi cho an ninh, ổn định của Nhật.
"Việc chính quyền Nhật bắt đầu gửi quân ra nước ngoài cùng luật an ninh quốc gia được dư luận trong nước rất ủng hộ. Nhật đang dần thoát khỏi quan điểm chỉ sử dụng quân sự cho mục đích bảo vệ lãnh thổ Nhật và có thể sẽ có thêm nhiều thay đổi đáng kể trong thời gian tới" - ông Huaizhong phân tích.
Dù vậy, chuyên gia Trung Quốc này cũng cho rằng Nhật nếu có can thiệp vấn đề Đài Loan thì cũng sẽ chỉ dừng ở mức độ hỗ trợ hậu cần cho những nước lớn hơn như Mỹ trực tiếp tham chiến, chứ không nhất thiết phải gửi quân chiến đấu trực tiếp vì lo ngại chi phí và rủi ro cao.
"Câu hỏi bây giờ không phải liệu Nhật có can thiệp hay không mà là họ sẽ can thiệp như thế nào" - ông Huaizhong cho biết.
Một học giả Trung Quốc khác là ông Liu Jiangyong thuộc ĐH Thanh Hoa còn cảnh báo Trung Quốc nên cảnh giác với Nhật vì Tokyo cũng đang có tham vọng trở thành một cường quốc toàn cầu. Nhật thời gian tới sẽ còn liên kết chặt chẽ hơn nữa với Mỹ và các nước phương Tây khác để kiềm chế Trung Quốc, vấn đề Đài Loan sẽ là một trọng tâm quan trọng.
"Thế trận khu vực lúc này giống như một bàn cờ vây - với Nhật, Mỹ, NATO, Ấn Độ và Đông Nam Á cùng về một phe để chống lại Trung Quốc, còn Bắc Kinh chỉ có thể trông chờ vào dự án Vành đai - Con đường" - ông Jiangyong nhận xét.