Cựu Tư lệnh TBD: Đã đến lúc Mỹ xem xét lại 'sự mơ hồ chiến lược' với Đài Loan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-9, ông Harry Harris - Cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã kêu gọi Washington đánh giá lại chính sách với Đài Loan, trong đó có các cam kết bảo vệ hòn đảo một cách mơ hồ. Đồng thời, ông cũng cảnh báo Bắc Kinh đang tìm cách thu hồi hòn đảo này, tờ South China Morning Post đưa tin.

Cựu Tư lệnh cũng cho biết Trung Quốc đang ở trong quá trình "đầu tiên là cô lập và sau đó là 'thống trị' Đài Loan".

Mỹ nên đánh giá lại các "mơ hồ chiến lược"

Sau khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu Bắc Kinh ngừng gây áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với Đài Loan, đồng thời giúp hòn đảo này duy trì "khả năng tự vệ đầy đủ" thông qua việc bán vũ khí.

Cuối tháng 7, Đài Loan đã ký hợp đồng trị giá 343 triệu USD với Mỹ để mua sáu thiết bị trinh sát mới. Ảnh: COLLINS AEROSPACE 

Tuy nhiên, chính phủ Mỹ vẫn duy trì một quan điểm không rõ ràng về việc sử dụng vũ lực quân sự để đáp trả cuộc tấn công của Trung Quốc đại lục vào Đài Loan - một chiến thuật được gọi là "sự mơ hồ chiến lược".

Trước vấn đề này, ông Harris đề xuất "Chúng ta nên xem xét lại chính sách mơ hồ chiến lược lâu đời của mình".

"Nếu sau khi hoàn tất việc đánh giá lại, chúng ta vẫn giữ nguyên chính sách, điều đó không sao cả. Tuy nhiên, chúng ta không nên giữ lại nó chỉ đơn giản vì chúng ta đã làm như vậy từ cuối những năm 1970" - ông nói.

Chính sách mơ hồ chiến lược được thông qua sau khi quan hệ Mỹ - Đài Loan trở nên "không chính thức" vào năm 1979, khi Washington chuyển công nhận ngoại giao từ Đài Bắc sang Bắc Kinh.

Chính sách này không chỉ nhằm ngăn cản Bắc Kinh sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan mà còn để ngăn cản hòn đảo đòi độc lập, vì cả Bắc Kinh và Đài Bắc đều không chắc chắn về sự can thiệp của Mỹ để bảo vệ Đài Loan nếu có xung đột phát sinh.

Ông Harris nói Mỹ nên "rõ ràng hơn về trách nhiệm của mình" theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan - một bộ luật Mỹ đặt ra nhằm điều chỉnh các mối quan hệ không chính thức với hòn đảo, đồng thời lưu ý rằng Washington đã "không nhất quán" đặc biệt là trong việc bán vũ khí cho Đài Loan.

"Nếu chúng ta không nhất quán về những gì mình bán cho Đài Loan hoặc bất kỳ quốc gia nào khác, thì làm sao họ có thể làm được - làm sao họ có thể lập kế hoạch để sẵn sàng về mặt quân sự một cách lâu dài?" - ông nói.

Mỹ cần nghiêm túc xem xét các cảnh báo về Đài Loan

Ông Harris cũng cho biết các cảnh báo của các đô đốc hàng đầu của Mỹ những tháng gần đây, trong đó có các mô tả mối đe dọa sắp xảy ra về một cuộc xâm lược đại lục vào Đài Loan, cần được xem xét "nghiêm túc" và Mỹ nên "chuẩn bị cho phù hợp".

Vào tháng 3, ông Philip Davidson, người kế nhiệm của ông Harris tại Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cảnh bảo Trung Quốc có thể cố gắng xâm chiếm Đài Loan "trong sáu năm tới".

Đô đốc John Aquilino, chỉ huy hiện tại, cũng cảnh báo rằng "vấn đề này có liên quan chặt chẽ tới Mỹ hơn nhiều so với suy nghĩ của hầu hết mọi người". Tuy nhiên, ông không đưa ra dự đoán về thời điểm quân đội Trung Quốc sẽ thu hồi hòn đảo.

Trung Quốc xem Đài Loan là một tỉnh nổi loạn, và nhiều lần khẳng định sẽ không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thu hồi hòn đảo.

Trong khi đó, ông Harris cũng tỏ ra hoài nghi về khả năng Mỹ-Trung có thể đạt được những đột phá trong quan hệ, nói rằng Washington và Bắc Kinh "về cơ bản đang bất đồng về cách tiếp cận trật tự quốc tế hiện tại:.

Ông đã chỉ trích Bắc Kinh về tình hình Hong Kong, vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và các "yêu sách lãnh thổ kỳ lạ" đối với hầu như toàn bộ Biển Đông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm