Iran sắp có bom hạt nhân, Israel lên kế hoạch quân sự đối phó

Phát biểu tại cuộc họp thường niên của Viện Nghiên cứu An Ninh Quốc gia (INSS) hôm 26-1, Trung tướng Aviv Kohavi, lãnh đạo Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết nước này đang phát triển các hoạt động quân sự mới cho vài năm tới do lo ngại Iran đang phát triển bom hạt nhân.

Chỉ còn vài tháng, thậm chí vài tuần Iran có bom hạt nhân

Theo hãng tin Sputnik, ông Kohavi khẳng định chỉ còn vài tháng, thậm chí vài tuần nữa là Tehran sở hữu bom hạt nhân.

Trung tướng Aviv Kohavi, lãnh đạo Lực lượng Phòng vệ Israel. Ảnh: AP

“Iran có thể xác định rằng nước này muốn phát triển một quả bom, theo cách bí mật hoặc khiêu khích. Dựa trên phân tích cơ bản này, tôi đã lệnh cho IDF chuẩn bị nhiều kế hoạch quân sự bên cạnh những kế hoạch hiện có. Chúng tôi đang nghiên cứu những kế hoạch này và sẽ phát triển chúng trong năm tới” – ông Kohavi cho biết.

Ông Kohavi nói rằng Israel sẽ ra quyết định cuối cùng về việc có triển khai kế hoạch quân sự mới hay không.

Trước đó, truyền thông Israel dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này Benny Gantz đưa tin IDF sẽ thiết lập một “lựa chọn quân sự” chống lại Iran trong trường hợp leo thang hạt nhân.

Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran là sai lầm

Theo hãng tin Reuters, ông Kohavi còn cho rằng việc Mỹ quay trở lại Kế hoạch hành động chung toàn diện (JPCOA), còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran là một sai lầm.

JCPOA là thỏa thuận ký giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi tháng 7-2015. Thỏa thuận đặc biệt ngăn Iran mua hoặc phát triển vũ khí hạt nhân.

Ba phiên bản máy ly tâm do Iran chế tạo được phát trực tiếp trên đài IRIB của Iran từ nhà máy làm giàu uranium Natanz (Iran). Ảnh: IRIB/AP

Năm 2018, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận, cáo buộc Iran vi phạm thỏa thuận.

 “Nếu thỏa thuận hạt nhân 2015 được thực hiện, Iran cuối cùng cũng sẽ có thể chế tạo bom vì thỏa thuận không bao gồm các hạn chế và giám sát để ngăn điều đó” – ông Kohavi nói.

Những cáo cáo xuất hiện trước đó cho hay Tel Aviv đã cố gắng có tiếng nói trong các cuộc đàm phán hạt nhân tiềm năng giữa Washington và Tehran, đặc biệt Israel sẽ cung cấp danh sách “các điều kiện tiên quyết” cần phải đáp ứng để cho phép Mỹ tái tham gia thỏa thuận.

Theo các báo cáo, Israel sẽ đặc biệt yêu cầu Iran dừng hoạt động làm giàu uranium, chấm dứt sản xuất máy ly tâm tiên tiến, ngừng ủng hộ các nhóm như phong trào Hezbollah của Lebanon (mà Israel xem là khủng bố), đồng thời cung cấp quyền tiếp cận chương trình hạt nhân của Iran cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Tổng thống Mỹ Joe Biden cân nhắc khả năng đưa Washington trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran, với điều kiện Iran tuân thủ các cam kết hạt nhân của mình.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng nhấn mạnh chương trình tên lửa đạn đạo của Iran phải được đem ra thảo luận để Mỹ quay trở lại JPCOA.

Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho hay Mỹ “còn lâu” mới quyết định có tái tham gia thỏa thuận hạt nhân với Iran hay không và nước này cần theo dõi Tehran thực sự đã làm gì để tiếp tục tuân thủ hiệp ước lịch sử.

Theo kênh Al Jazeera, tháng 12-2020, ông Biden cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng việc Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân 2015 là cách tốt nhất để tránh chạy đua vũ trang ở Trung Đông.

Tuần trước, báo Le Figaro (Pháp) dẫn nguồn tin giấu tên nói rằng các thành viên của nhóm ông Biden đã đàm phán với phía Iran về triển vọng Mỹ trở lại JCPOA trong khoảng ba tuần, với các cuộc đàm phán thậm chí diễn ra trong thời gian ông Donald Trump còn tại nhiệm.

Nguồn tin tiết lộ những cuộc đàm phán này tập trung vào việc hai nước quay trở lại thỏa thuận nghiêm túc và đồng thời.

Iran đã bày tỏ sự sẵn sàng khôi phục thỏa thuận, nói rằng nước này sẽ trở lại tuân thủ hoàn toàn cam kết nếu ông Biden gỡ trừng phạt.

Còn có thông tin Iran sẽ chuẩn bị danh sách các yêu cầu trước khi trở lại JCPOA, đặc biệt yêu cầu mọi bất đồng về thỏa thuận phải được thảo luận “theo khuôn khổ các ủy ban đàm phán chính thức”.

Tehran còn yêu cầu không thêm thành viên vào thỏa thuận hạt nhân, các vấn đề riêng biệt như chương trình tên lửa hay hoạt động đối ngoại của Iran không được đàm phán theo các điều khoản của JCPOA.

Nhắm vào Iran

Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2018, căng thẳng ở Trung Đông nhanh chóng leo thang sau một loạt cuộc tấn công và sự kiện quân sự. Mỹ đã mở chiến dịch “gây sức ép tối đa” và tái áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt lên Iran.

Phi công Israel trèo vào buồng lái tiêm kích F-15 của Israel trong một cuộc huấn luyện trên không quốc tế Blue Flag 2017 tại căn cứ quân sự Ovda thuộc phía nam Israel năm 2017. Ảnh: Amir Cohen/REUTERS

Tháng 1-2020, Tướng Qassem Soleimani – chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bị ám sát trong cuộc tấn không bằng máy bay không người lái của Mỹ gần sân bay Baghdad (Iraq). Sự kiện này đưa hai nước kề miệng hố chiến tranh.

Tháng 11-2020, nhà khoa học hàng đầu Iran Mohsen Fakhrizadeh bị giết chết trong một cuộc tấn công bên ngoài thủ đô Tehran khi ông đang lái xe. Iran quy trách nhiệm Israel thực hiện vụ ám sát.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo có thể xảy ra các cuộc tấn công của Israel nhằm vào Iran.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm