Theo đài RT, Thủ tướng Abe hôm 19-6 tiết lộ Tokyo sẽ xem xét việc trang bị khả năng tấn công phủ đầu để tự vệ trước các đòn tấn công bằng tên lửa của đối phương trong khi vẫn tuân thủ hiến pháp theo định hướng phòng thủ của nước này.
Giải thích về động thái này, ông Abe cho biết Nhật Bản cần phải nối lại các cuộc thảo luận về khả năng “răn đe đầy đủ”, trong bối cảnh Triều Tiên đã đạt được những tiến bộ về công nghệ tên lửa.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: THE TIME/GETTY IMAGES
Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) đã chỉ trích mạnh động thái của ông Abe, nói rằng điều đó có thể biến Nhật Bản thành một quốc gia “có khả năng gây chiến tranh” cũng như cho phép họ “hợp pháp hóa việc xâm chiếm nước ngoài”. KCNA cảnh báo Nhật Bản sẽ “biến mình thành kẻ thù chung của nhân loại”, nếu nước này sửa đổi hiến pháp.
Bình Nhưỡng nói rằng hiến pháp hậu chiến của Nhật Bản, vốn từ bỏ chiến tranh và hạn chế các lực lượng vũ trang của nước trong tầm mức tự vệ, là một “cam kết hợp pháp” với cộng đồng quốc tế.
KCNA cũng nói rằng đã có một bản kiến nghị được “hàng trăm ngàn công dân” ký tên nhằm phản đối động thái này, gọi đó là một “đợt phun trào phẫn nộ” của công chúng. Tuy nhiên, bản kiến nghị này không thể được tìm thấy trên mạng, theo RT.
Động thái của Nhật được dự đoán cũng sẽ khiến những nước láng giềng khác như Hàn Quốc và Trung Quốc lo ngại, theo báo The Time.
Đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cho biết chính phủ sẽ tạm dừng kế hoạch triển khai hệ thống phòng không mặt đất Aegis Ashore do Mỹ phát triển do các vấn đề về kỹ thuật và chi phí.
Việc đình chỉ này đã gây ra một cuộc tranh cãi chính trị ở Nhật Bản, trong đó phe đối lập nói rằng Bộ Quốc phòng phải chịu trách nhiệm về khoản tiền 12 tỉ yen (112 triệu USD) mà Nhật Bản đã chi cho hệ thống này.
Aegis Ashore - hệ thống bao gồm radar, máy tính và tên lửa – được thiết kế giúp Tokyo đối phó những tiến bộ trong việc phát triển vũ khí của Triều Tiên. Nếu được triển khai, Nhật Bản sẽ là quốc gia thứ ba vận hành hệ thống này sau Romania và Ba Lan.