Ngày 28-5, Bộ Tư pháp Mỹ quyết định truy tố 28 người Triều Tiên và năm người Trung Quốc tội danh điều hành đường dây rửa tiền. Cụ thể, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc nhóm người này đã chuyển hàng tỉ USD qua các công ty bình phong trên toàn cầu nhằm tránh các lệnh trừng phạt hạt nhân.
Theo bản cáo trạng được đệ trình lên tòa án liên bang thủ đô Washington, mạng lưới rửa tiền này đã tuồn đi hơn 2,5 tỉ USD thông qua các giao dịch với hơn 250 công ty bình phong ở Thái Lan, Libya, Áo, Nga, Trung Quốc và Kuwait.
Hành động rửa tiền của mạng lưới này nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của Triều Tiên, tránh các lệnh trừng phạt và làm giàu cho các cá nhân liên quan.
Hầu hết những người bị truy tố có liên quan đến các chi nhánh của Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên (FTB), bao gồm hai người từng làm chủ tịch và hai phó chủ tịch khác của ngân hàng này.
Mỹ đã đưa FTB vào “danh sách đen” vào năm 2013, và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng có động thái tương tự vào năm 2017, kênh Channel News Asia cho biết.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) tại làng biên giới Bàn Môn Điếm trong khu phi quân sự liên Triều, ngày 30-6-2019. Ảnh: AP
Hãng tin Reuters dẫn lời quan chức Mỹ cho biết một phần số tiền này được rót vào chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Theo bản cáo trạng, Mỹ đã thu hồi được 63 triệu USD từ mạng lưới rửa tiền này.
"Thông qua bản buộc tội, Mỹ thể hiện cam kết ngăn cản Triều Tiên tiếp cận trái phép hệ thống tài chính Mỹ và hạn chế khả năng quốc gia này sử dụng thu nhập từ các hành động trái phép để củng cố chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hủy diệt hàng loạt trái phép của họ" - công tố viên Mỹ, ông Michael Sherwin nhấn mạnh.
Đây là động thái cáo buộc mạnh mẽ nhất từ phía Mỹ đối với các hành vi vi phạm lệnh cấm vận của Triều Tiên, trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Triều vẫn căng thẳng sau khi cuộc đàm phán hạt nhân giữa cả hai đình trệ.