Trong năm 2019, Triều Tiên tiếp tục tăng cường các hoạt động trong chương trình hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo của mình, vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ), hãng tin Reuters ngày 10-2 cho hay.
Nước này cũng nhập khẩu trái phép dầu mỏ đã qua chế biến và xuất khẩu 370 triệu USD (khoảng 8,6 ngàn tỉ đồng) than đá với sự giúp đỡ của Trung Quốc.
Reuters có được thông tin này từ một báo cáo dài 67 trang của Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA) về vấn đề trừng phạt Triều Tiên. Dự kiến báo cáo này sẽ được công bố vào tháng tới.
Triều Tiên bị cáo buộc tiếp tục vi phạm các lệnh trừng phạt của LHQ về chương trình hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo. Ảnh: REUTERS
Theo báo cáo này, “Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã không dừng chương trình hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo bất hợp pháp của mình mà tiếp tục vi phạm các nghị quyết của HĐBA” trong năm 2019.
“Dù đã có năng lực nội đại to lớn, nước này vẫn mua các công nghệ và bộ phận cấu thành từ nước ngoài một cách bất hợp pháp” - báo cáo nêu tiếp.
Giới quan sát cũng cho rằng Bình Nhưỡng tiếp tục vi phạm lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa. “Theo một thành viên LHQ, Triều Tiên đã xuất khẩu 3,7 triệu m3 than đá từ tháng 1 đến tháng 8-2019, với giá trị ước tính là 370 triệu USD”.
Trong đó, khoảng 2,8 triệu m3 hàng hóa được xuất khẩu bằng cách chuyển hàng trên biển giữa các tàu treo cờ Triều Tiên và các sà lan Trung Quốc. Sau đó, các sà lan này di chuyển về vịnh Hàng Châu - gần tỉnh Chiết Giang và thành phố Thượng Hải.
Ngoài ra, báo cáo còn cho biết ít nhất 1 triệu tấn cát, trị giá khoảng 22 triệu USD, cũng được xuất khẩu sang các cảng của Trung Quốc.
Trung Quốc tuyên bố các cáo buộc trên của LHQ là “không có căn cứ”.
“Trong việc thực hiện các nghị quyết của HĐBA về vấn đề Triều Tiên, Trung Quốc luôn trung thực và tuân thủ nghiêm túc các cam kết quốc tế và chịu tổn thất và áp lực lớn” - người phát ngôn phái đoàn Trung Quốc tại LHQ cho biết.
Từ năm 2017, Triều Tiên bị cấm các hoạt động thương mại liên quan đến chương trình hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo gây tranh cãi của nước này.
Hai thành viên thường trực của HĐBA là Trung Quốc và Nga cho rằng các lệnh trừng phạt này đang ảnh hưởng đến tình hình nhân đạo và cứu trợ ở Triều Tiên. Bắc Kinh và Moscow hối thúc nới lỏng lệnh trừng phạt để hỗ trợ người dân Triều Tiên và góp phần phá thế bế tắc trong đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều.
Trong khi đó, Mỹ, Anh và Pháp cho rằng đây chưa phải là thời điểm cần phải dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Trước đó, Bình Nhưỡng tuyên bố không tiếp tục tuyên thủ các cam kết về chương trình hạt nhân và thử tên lửa, cho rằng Washington đã không thể giải quyết được vấn đề trừng phạt dù thời hạn cuối năm 2019 mà Triều Tiên đưa ra đã qua.
Theo báo cáo của LHQ, Triền Tiên đã tiến hành 13 vụ thử tên lửa trong năm 2019, phóng tổng cộng ít nhất 25 tên lửa. Ngoài ra, Bình Nhưỡng còn bị cáo buộc thực hiện các vụ tấn công mạng vào các thể chế tài chính và hoạt động giao dịch tiền ảo trên toàn cầu.