Khó khăn đang bủa vây ông Trump

Ngày 24-8 (giờ địa phương), đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa sẽ chính thức diễn ra với nhiều diễn biến đáng chú ý trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới. Dù vậy, đại diện tranh cử của đảng này - đương kim Tổng thống Donald Trump cần phải chuẩn bị tinh thần bước vào một kỳ đại hội khó khăn do sức ép từ liên danh nặng ký đảng Dân chủ Joe Biden - Kamala Harris cùng tình trạng bất ổn chính trị ở Mỹ thời gian gần đây.

Thời khắc đen tối của ông Trump

Hiện toàn thể đảng Cộng hòa lẫn ông Trump đang đối diện với một bài toán khó: Làm thế nào thuyết phục cử tri Mỹ, nhất là bộ phận đang có quan điểm tiêu cực về nhà lãnh đạo Mỹ, tiếp tục bỏ phiếu cho ông thêm một nhiệm kỳ nữa.

Dĩ nhiên, ông Trump không phải là tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên lâm vào thế khó khi quyết định tái tranh cử, theo tờ USA Today. Hồi năm 2004, cựu tổng thống George W. Bush cũng suýt thất cử nhiệm kỳ hai do hậu quả của việc đưa quân xâm lược Iraq, kéo Mỹ vào một trong những cuộc chiến tốn kém nhất lịch sử nước này. Đến năm 2012, ông Barack Obama cũng bị cử tri chỉ trích vì không giữ được lời hứa vực dậy nền kinh tế chịu tác động nặng nề của đợt khủng hoảng tài chính năm 2008.

Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất giữa hai người tiền nhiệm với ông Trump là họ chỉ giải quyết một vấn đề trọng điểm duy nhất và tỉ lệ ủng hộ luôn đạt trên 50% giai đoạn cuối nhiệm kỳ đầu, theo kết quả thăm dò của Viện Gallup (Mỹ). Trong khi đó, chính quyền đương nhiệm hiện đang chìm trong một loạt khủng hoảng nghiêm trọng cùng tỉ lệ ủng hộ ngày càng sụt giảm, hiện ở mức 40%.

Một ví dụ điển hình là tình hình phức tạp của đại dịch COVID-19 ở Mỹ khi nước này đến nay vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 40.000 ca nhiễm và hàng trăm ca tử vong mới mỗi ngày.

Tuần trước, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield cảnh báo người dân nên chuẩn bị cho đợt bùng phát mới do thời tiết vào thu trở lạnh, tạo điều kiện cho virus sinh sôi. Trong khi đó, chính quyền ông Trump về cơ bản cũng đã thua trong cuộc đua điều chế vaccine khi Nga ngày 11-8 đã công bố liều vaccine COVID-19 đầu tiên do nước này sản xuất và đang chuẩn bị tổ chức tiêm chủng hàng loạt mặc cho các nghi ngại về độ an toàn từ giới chuyên gia.

Ngoài thiệt hại sinh mạng, dịch bệnh cũng gây thiệt hại đáng kể cho kinh tế Mỹ - vốn là ưu thế lớn nhất của ông Trump trước đối thủ Joe Biden. Theo số liệu của Cục Phân tích kinh tế Mỹ (BEA) hồi đầu tháng 8, GDP Mỹ trong quý II năm nay sụt giảm gần 33% - mức giảm thấp nhất trong lịch sử và cao gấp bốn lần mức giảm đợt khủng hoảng năm 2008. Bộ Lao động Mỹ ngày 30-7 cũng ghi nhận tuần thứ 19 liên tiếp con số lao động nước này nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp chạm mốc 1 triệu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự kỳ đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa vào tháng 7-2016. Ảnh: NPR

Mâu thuẫn sắc tộc, từ lâu là một vấn đề nhạy cảm trong xã hội Mỹ, lại bị đẩy đến điểm bùng phát sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd dưới tay hai cảnh sát da trắng ở TP Minneapolis (bang Minnesota), khiến hàng trăm ngàn người xuống đường biểu tình phản đối bất chấp COVID-19.

Chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump cũng hứng chịu nhiều chỉ trích từ chính các đồng minh Cộng hòa khi ngày 21-8, một nhóm 73 cựu quan chức đảng này đã cùng ký tuyên bố ủng hộ ông Biden với cáo buộc ông Trump đã đánh mất vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ và phá hoại di sản ngoại giao của các lãnh đạo đi trước. Nhiệm kỳ của ông Trump cũng có tỉ lệ đổi quan chức dưới quyền cao hơn nhiều các tổng thống trước, lên tới hơn 80% theo thống kê của Viện Brookings (Mỹ). Hầu hết các quan chức này đều vì mâu thuẫn với chủ nhân Nhà Trắng mà chủ động từ chức hoặc bị sa thải.

5 thành viên trong gia đình Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ có bài phát biểu ở kỳ đại hội ngày 23-8 gồm: Đệ nhất phu nhân Melania Trump, hai con trai Donald Trump Jr., Eric Trump và hai con gái Ivanka Trump, Tiffany Trump. 

Ông Trump nên làm gì?

Trả lời phỏng vấn của tờ The Washington Post, chuyên gia tư vấn chính trị Mike DuHaime cho rằng Tổng thống Donald Trump trước mắt nên tận dụng kỳ đại hội ngày 23-8 để truyền tải chính xác và rõ ràng những dự định và kế hoạch mà ông sẽ đem đến cho nước Mỹ nếu ông đắc cử. Mục tiêu hàng đầu là trấn an đại bộ phận người dân, tránh nhận thêm chỉ trích trong giai đoạn nước rút của kỳ bầu cử.

Giải thích thêm, ông DuHaime cho biết uy tín của ông Trump đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nhiều phát ngôn tự phát và có phần phản khoa học về đại dịch COVID-19 vừa qua. Việc ông dùng nhiều lời lẽ nặng nề để chỉ trích liên danh Joe Biden - Kamala Harris cũng khiến ông trông giống một “người thiếu chín chắn” hơn là một lãnh đạo mạnh mẽ có thể giúp nước Mỹ vượt qua khó khăn.

“Tôi không nghĩ là ông Trump không cần lo lắng cho nhóm cử tri trung thành của ông ấy nữa vì họ hiện nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ ông. Tuy nhiên, ông ấy phải mở rộng nhóm này ra, thu hút thêm nhiều nhóm khác để họ chuyển về phe Dân chủ hết. Rất nhiều người trong số họ hưởng lợi từ chính sách của ông Trump nên ông ấy phải biết điểm mạnh của mình ở đâu” - chuyên gia Mike DuHaime nhận định.

Đồng quan điểm, cựu thống đốc bang Mississippi - bà Haley Barbour cũng cho rằng ông Trump phải tìm cách thu phục các nhóm cử tri quan trọng là phụ nữ trẻ, người Mỹ da màu hay tầng lớp lao động trung niên. “Những người này đã giúp đưa ông Trump lên đỉnh cao vào kỳ bầu cử năm 2016 chính vì bà Hillary Clinton năm đó mắc phải sai lầm là nghĩ chỉ cần thu phục nhóm cử tri trung thành với đảng Dân chủ là đủ. Lòng trung thành khi đặt cạnh lợi ích cá nhân thì không thể so sánh bằng” - bà Barbour nói.

Hiện chưa rõ nhà lãnh đạo Mỹ sẽ làm thế nào để giải quyết bất đồng quan điểm về chính sách của ông trong nội bộ đảng. Tuy nhiên, đài Fox News gợi ý kỳ đại hội có thể là cơ hội để ông Trump nhấn nút khởi động chiến dịch tranh cử của mình và đưa ra một số đề xuất hợp lý hơn, có thể nhượng bộ ở một số nội dung như đưa Mỹ quay lại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hay giảm mức đóng góp chi phí quân sự mà ông đang đàm phán ở các đồng minh. Đài này cho rằng những đề xuất, về lâu dài, không làm thay đổi quá rõ rệt lập trường chính trị của ông mà còn giúp tăng tính đoàn kết trong đảng.

Đại hội đảng Cộng hòa sẽ là màn trình diễn của ông Trump?

Theo USA Today, nhiều nguồn tin nội bộ tiết lộ kỳ đại hội đảng Cộng hòa sắp tới sẽ tập trung đánh bóng những thành tựu đã đạt được trong năm qua của chính quyền đương nhiệm, hướng sự chú ý của cử tri khỏi tình hình khủng hoảng trước mắt và chỉ ra các chính sách mà đảng Dân chủ đề xuất “cực đoan và có hại cho sự phát triển của đất nước ra sao”. Chủ tịch Ủy ban quốc gia đảng Cộng hòa Ronna McDaniel ngày 22-8 đã tuyên bố sẽ đem đến hình ảnh trái ngược với “bầu không khí nặng nề và ảm đạm” của đại hội toàn quốc đảng Dân chủ vừa kết thúc.

“Chúng tôi sẽ mời người thật, việc thật để trực tiếp nghe họ kể về việc các chính sách của tổng thống đã giúp đỡ họ ra sao. Chúng tôi cũng sẽ giới thiệu tầm nhìn của tổng thống trong bốn năm sắp tới” - bà McDaniel nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm