Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA) của Libya được quốc tế công nhận cho hay lực lượng này đã giành quyền kiểm soát ba TP ven biển chiến lược nằm giữa thủ đô Tripoli và biên giới với Tunisia sau khi đẩy lùi các lực lượng đối lập Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Nguyên soái Khalifa Haftar chỉ huy, theo kênh Al Jazeera.
“Các lực lượng chúng tôi đã kiểm soát Surman và Sabratha và đang truy đuổi các lực lượng của ông Haftar” - ông Mohammed Gnunu - người phát ngôn của GNA cho biết trong tuyên bố hôm 13-4.
Các lực lượng ủng hộ GNA ăn mừng sau khi kiểm soát các TP Sabratha và Surman từ lực lượng của Tướng Haftar. Ảnh: Anadolu
Các lực lượng của GNA sau đó trong ngày 13-4 đã tái chiếm TP al-Ajaylat, nằm cách phía tây Tripoli chừng 90 km.
Các TP Sabratha, Surman và al-Ajaylat vốn do lực lượng dân quân Hồi giáo Salafist ủng hộ ông Haftar kiểm soát.
Trên Facebook hôm 13-4, các lực lượng GNA đã đăng những hình ảnh các bệ phóng rocket Grad, 10 xe tăng và các phương tiện bọc thép mà họ nói là tịch thu được tại các TP trên.
Ông Mohammad al-Gammoudi, một chỉ huy chiến trường của GNA cho hay TP Surman và Sabratha thất thủ sau “6 giờ giao chiến với sự yểm trợ của lực lượng không quân”.
Trong khi Thủ tướng Libya Fayez al-Sarraj lãnh đạo GNA xác nhận lực lượng ông đã chiếm ba TP trên thì lực lượng ông Haftar hiện chưa đưa ra bình luận.
“Các lực lượng chính phủ nói rằng bằng cách chiếm Sabratha và Surman, họ có thể dễ dàng kiểm soát toàn bộ bờ biển và đường cao tốc nối Tripoli với biên giới với Tunisia”, PV Mahmoud Abdelwahed của kênh Al Jazeera đưa tin từ Tripoli.
“Lực lượng GNA cũng có thể gia nhập các tay súng thuộc bộ lạc Amazigh hay Berber ở TP Zuwara và có thể di chuyển tới căn cứ al-Watiya, một căn cứ chiến lược và là thành trì của ông Haftar ở phía tây nam thủ đô Tripoli” - PV Mahmoud Abdelwahed cho biết thêm.
GNA bắn rơi ba máy bay của LNA
Trước đó trong ngày 13-4, Đại tá Muhammad Qanunu của GNA cho biết lực lượng không quân của GNA đã chặn các máy bay của ông Haftar ở khu vực Abu Grain thuộc TP Misratra và bắn hạ hai máy bay Wing Loong do Trung Quốc sản xuất và một trực thăng Mi-35 do Nga chế tạo.
Các tay súng thuộc lực lượng dân quân ở TP Misrata chuẩn bị di chuyển về tiền tuyến gia nhập lực lượng GNA ở Tripoli. Ảnh: EPA
Các nguồn tin nói với Al Jazeera rằng các vụ đụng độ đã giết chết chín binh sĩ của GNA và hơn 30 tay súng trung thành với phe ông Haftar, trong đó có tay súng người Sudan và Chad.
Nguồn tin nói thêm lực lượng GNA đã sử dụng các máy bay người lái do Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp để thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng ông Haftar và LNA.
“Các chỉ huy quân sự cho hay thắng lợi mới nhất của lực lượng GNA có thể nói chủ yếu là nhờ vào sự hỗ trợ trên không của Thổ Nhĩ Kỳ. Việc kiểm soát bầu trời thời gian gần đây đã thay đổi theo hướng có lợi cho GNA nhờ vào không quân Thổ Nhĩ Kỳ” - PV Abdelwahed nhận định.
Kêu gọi ngừng bắn để ứng phó dịch COVID-19
Libya chìm trong nội chiến kể từ năm 2011 khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ và sát hại trong chiến dịch quân sự được NATO hậu thuẫn.
Việc ông Gaddafi bị lật đổ tạo ra một khoảng trống quyền lực lớn ở Libya, dẫn tới tình trạng hỗn loạn và đối đầu của nhiều nhóm vũ trang, băng đảng tội phạm và tổ chức khủng bố.
Libya hiện tại bị chia rẽ thành hai khu vực do hai phe quyền lực kiểm soát. Phe LNA do Tướng Haftar lãnh đạo kiểm soát TP Benghazi và miền Đông, và phe GNA do Thủ tướng Sarraj lãnh đạo kiểm soát thủ đô Tripoli và miền tây.
Nguyên soái Khalifa Haftar ngày 4-4-2019 mở chiến dịch quân sự đánh chiếm Tripoli. Vài ngày sau, các lực lượng thề trung thành với GNA cũng phát động chiến dịch quân sự mang tên “Núi lửa giận dữ” đánh trả phe LNA.
Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho hay hàng trăm người đã thiệt mạng và hơn 200.000 người buộc di tản kể từ khi ông Haftar mở đánh Tripoli.
Nhiều nỗ lực được LHQ hậu thuẫn nhằm đi đến lệnh ngừng bắn đã thất bại. LHQ cũng chỉ trích lệnh cấm vận vũ khí năm 2011 áp vào Libya liên tục bị vi phạm.
Hôm 17-3, LHQ cùng chín quốc gia khác kêu gọi các bên tham chiến ở Libya chấm dứt các hành động thù địch, cho phép các nhà chức trách y tế chống đại dịch COVID-19.
Các nỗ lực của LHQ dàn xếp một lệnh ngừng bắn ở Libya vẫn không đem lại kết quả lâu dài và bị đình trệ kể từ khi đặc phái viên LHQ về Libya Ghassan Salame nghỉ việc hồi đầu tháng 3 do vấn đề sức khỏe.
Phó phát ngôn viên của Tổng thư ký LHQ - ông Farhan Haq cho hay LHQ lo ngại cuộc chiến tiếp tục sẽ cản trở các nỗ lực ngăn dịch COVID-19 tại Libya.
“Như các bạn đã biết, chúng tôi đã và đang yêu cầu các bên chấm dứt chiến tranh… Chúng tôi cần đảm bảo rằng họ có thể gạt bỏ những bất đồng và hợp tác để cho phép chúng tôi ứng phó đại dịch” - ông Haq nói.