Ngày 19-1 tại Berlin (Đức), một nhóm lãnh đạo thế giới đã gặp nhau bàn về tình hình Libya, theo hãng tin Sputnik.
Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Tham gia có Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres và lãnh đạo nhiều nước: Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo...
Nhóm lãnh đạo thế giới tập trung về Berlin (Đức) ngày 19-1 họp bàn về Libya. Ảnh: KREMLIN.RU
Hội nghị ở Berlin nhằm mục tiêu đạt được một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài giữa phe Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA) và phe Quân đội Quốc gia Libya (LNA). Phe GNA do Thủ tướng Fayez al-Sarraj lãnh đạo, kiểm soát Tripoli và miền Tây Libya, được LHQ công nhận và ủng hộ. Phe LNA do tướng Khalifa Haftar lãnh đạo, kiểm soát TP Benghazi và miền Đông Libya.
Cấm vận vũ khí để thỏa thuận ngừng bắn được tuân thủ
Sau 5 giờ họp, nhóm lãnh đạo thế giới đã thống nhất một lệnh cấm vận vũ khí và một kế hoạch dự thảo hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hàng năm trời ở Libya.
Kết quả này được Tổng thư ký LHQ Guterres và Thủ tướng Đức Merkel công bố tại cuộc họp báo tối 19-1.
“Tất cả thành viên tham dự hôm nay cam kết ủng hộ thỏa thuận ngừng bắn” - ông Guterres nói với báo chí.
Nhóm lãnh đạo thế giới họp bàn về Libya tại Berlin (Đức) ngày 19-1. Ảnh: KREMLIN.RU
Trong khi đó, bà Merkel thông báo các bên tham chiến trong xung đột Libya đồng ý cần thiết có một lệnh cấm vận vũ khí để đạt được một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài.
Bà Merkel nhấn mạnh các nước cần thiết phải thực hiện nghiêm lệnh cấm vận để thỏa thuận ngừng bắn được tuân thủ triệt để. Theo Sputnik, hiện LNA ở Benghazi đang được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cung cấp vũ khí. Trong khi đó, phe GNA ở Tripoli thì được Thổ Nhĩ Kỳ đưa chuyên gia quân sự sang hỗ trợ, thậm chí còn cảnh báo có thể sẽ đưa thêm quân sang.
Bà Merkel thừa nhận hội nghị ở Berlin “sẽ không giải quyết được toàn bộ vấn đề ở Libya” nhưng sẽ “mang lại sự thúc đẩy mới” cho tiến trình hòa bình.
Mới chỉ một bước nhỏ tiến đến hòa bình
Cả hai ông Haftar và Sarraij đều không có mặt tại phòng họp báo sau hội nghị. Bà Merkel cho biết hai ông có tham gia kỳ hội nghị này nhưng không gặp nhau trực tiếp, mà gặp riêng lãnh đạo các nước.
Ông Guterres nói ông rất lo ngại chuyện một số cảng và mỏ dầu của Libya đang phải đóng cửa sau khi lực lượng LNA của tướng Haftar ngừng khai thác. Theo ông, thực tế này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế đất nước.
Hội nghị ở Berlin diễn ra vài ngày sau cuộc hòa đàm ở Moscow (Nga) với sự tham gia của hai ông Haftar và Sarraij. Trong cuộc hòa đàm này hai bên tham chiến ở Libya đã đồng ý sẽ cùng bàn bạc tiến đến thống nhất một thỏa thuận ngừng bắn.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (giữa) cũng có mặt trong hội nghị bàn về Libya với các lãnh đạo thế giới tại Berlin (Đức) ngày 19-1. Ảnh: KREMLIN.RU
Trao đổi với báo chí ngày 19-1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavror nói Nga ủng hộ ý tưởng mở rộng quy mô họp bàn tìm kiếm hòa bình cho Libya bao gồm cả các nước láng giềng khu vực của quốc gia Bắc Phi này.
Dù hoan nghênh kết quả hội nghị nhưng ông Lavrov vẫn thận trọng đây mới chỉ là một bước nhỏ hướng đến hòa bình cho Libya, khi hai bên GNA và LNA còn quá nhiều bất đồng.
Thủ tướng Ý Giuseppe Conte nói Ý muốn nhận giữ vai trò hàng đầu trong giám sát hiệp định hòa bình Libya trong tương lai, dù khả năng hai bên đạt được hòa bình này vẫn chưa chắc chắn.
Libya lâm vào nội chiến, bạo lực và hỗn loạn sau khi khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) can thiệp quân sự vào nước này lật đổ và giết chết lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011.