Liệu ông Joe Biden sẽ gặp ông Tập Cận Bình?

Theo nhận định của tờ South China Morning Post (SCMP), sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền, ông sẽ cần phải tính cách tiếp cận với một Trung Quốc rất khác so với đất nước ông đã từng biết với tư cách phó tổng thống hơn bốn năm trước.

Mới đây, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã cho biết ông Biden sẽ có các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo thế giới. Cụ thể, bà cho biết người đầu tiên ông Biden sẽ gọi là Thủ tướng Canada Justin Trudeau, sau đó tới các đối tác và đồng minh khác của Mỹ để "xây dựng lại các mối quan hệ và giải quyết những thách thức và mối đe dọa mà các bên đang đối mặt".

Ông Tập Cận Bình (trái) và ông Joe Biden. Ảnh: ĐẠI SỨ QUÁN TRUNG QUỐC

Trước đó, Trung Quốc đã kêu gọi nối lại đối thoại với Mỹ sau bốn năm lãnh đạo của ông Trump mà nước này cho rằng chính quyền Washington đã dùng cách tiếp cận diều hâu tiêu chuẩn đối với họ về các vấn đề như Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan và Biển Đông.

Gần đây nhất, vài ngày trước khi ông Biden nhậm chức, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng tải thư trả lời của ông Tập đối với bức thư của cựu chủ tịch Starbucks Howard Schultz. Trong đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi chuỗi cà phê đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại và thể hiện mong muốn cải thiện mối quan hệ với chính quyền mới ở Washington.

Điều này đã đặt ra các câu hỏi về khả năng cho một cuộc gặp song phương Mỹ-Trung giữa hai nhà lãnh đạo dưới thời ông Biden.

Theo SCMP, cơ hội để Biden và ông Tập gặp nhau trong năm nay có thể kể đến hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 10 tại Rome (Ý). Lần ngồi xuống cuối cùng của cặp đôi này là vào tháng 9-2015 khi ông Tập đến thăm Washington trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Barack Obama.

Nói về vấn đề này, các nhà phân tích cho rằng ông Tập sẽ ngày càng thể hiện rõ mong muốn đàm phán để ngăn cản sự chia rẽ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi đó, ông Biden sẽ tập trung hơn vào các ưu tiên trong nước, bao gồm đối phó với đại dịch COVID-19, khủng hoảng kinh tế và xung đột giữa các sắc tộc.

Ông Zhao Minghao, nhà nghiên cứu tại Đại học Thanh Hoa, cho biết ảnh hưởng của quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Trung Quốc và Mỹ đã suy yếu, khiến các cuộc đàm phán trên cơ sở đa phương khó có thể xảy ra.

"Tầm quan trọng của ngoại giao nguyên thủ quốc gia đối với quan hệ Trung-Mỹ đã giảm trong 10 năm qua" - ông nói.

Ông cũng nhận định, quan điểm của Mỹ về Trung Quốc cũng trở nên rõ ràng hơn kể từ khi ông Biden làm phó tổng thống, và Mỹ sẽ khó có khả năng quay lại chính sách can dự vì điều đó không thay đổi được Trung Quốc.

"Ông Tập và ông Biden vốn đã rất quen thuộc với nhau. Tuy nhiên, sự quen thuộc đó có thể vừa là một điều tích cực vừa là một gánh nặng, đặc biệt là khi ông Biden nhiều lần bị nghi ngờ về cách làm việc vì tỏ ra yếu thế trước Trung Quốc" - ông nói.

"Với việc quan hệ Trung-Mỹ đang xấu đi, hai nguyên thủ khó có thể gặp nhau trong các dịp song phương. Nhiều khả năng họ chỉ tổ chức các cuộc họp song phương trong khuôn khổ đa phương, chẳng hạn như G20 hoặc [bất kỳ hội nghị thượng đỉnh nào trong tương lai] về chống lại COVID-19. Cả hai bên đều chưa mong muốn gặp nhau sớm" - ông nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm