Lính Ấn-Trung lên mạng xã hội khoe 'chiến tích' hạ đo ván nhau

Các binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đã đăng lên mạng xã hội các hình ảnh hạ đo ván nhau liên quan tới các tranh chấp biên giới trên dãy Himalaya trong khi chính phủ hai nước đang cố gắng hạ nhiệt tình hình, theo báo South China Morning Post (SCMP).

Hình ảnh binh sĩ Trung Quốc hạ đo ván một số binh sĩ Ấn Độ tại khu vực biên giới hồ Pangong giáp Ấn Độ lan truyền trên các trang quân sự Trung Quốc hôm 31-5. Ảnh: SCMP

Theo SCMP, một binh sĩ Trung Quốc hôm 31-5 đã đăng lên mạng xã hội Wechat của nước này những hình ảnh cho thấy một số binh sĩ Ấn Độ nằm trên đất trong khi một nhóm binh sĩ Trung Quốc cầm gậy đứng gần sau vụ ẩu đả tại khu vực biên giới hồ Pangong, giáp biên với Ấn Độ.

Những hình ảnh này kèm theo một chú thích với nội dung “phía Trung Quốc chỉ bị thương một người, nhưng hàng chục binh sĩ Ấn Độ đã bị thương”.

Nhiều trang quân sự Trung Quốc sau đó đăng lại bài viết này.

Một ngày trước đó, tức 30-5, phía Ấn Độ đã đăng một video lên YouTube cho thấy các binh sĩ Ấn Độ đã bắt giữ một binh sĩ Trung Quốc. Lính Trung Quốc này dường như bị đánh đập mạnh tay sau vụ xô xát bên hồ Pangong, nằm ở độ cao 4.350 m trên dãy Himalaya.

Video còn cho thấy chiếc xe quân sự của Trung Quốc bị đập phá giữa cảnh reo hò của binh sĩ Ấn Độ. Video không tiết lộ thời điểm xảy ra vụ việc.

Theo hai nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc, binh sĩ Trung Quốc bị thương trong vụ ẩu đả là một phiên dịch viên. Người này bị binh sĩ Ấn Độ bắt nhưng sau đó đã thả ra với các vết thương nhẹ sau khi phía Trung Quốc kêu gọi tiếp viện.

Ảnh cắt từ video trên YouTube cho thấy binh sĩ Ấn Độ bắt giữ một binh sĩ Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Các nguồn tin cho hay binh sĩ của cả hai phía đã quay sang đấu nhau trên mạng xã hội để “khoe các hành động dũng cảm” của họ trong khi các lãnh đạo cấp cao tìm cách xoa dịu tình hình.

Một nguồn tin cho biết những hình ảnh binh sĩ Ấn Độ bị thương do một binh sĩ Trung Quốc đăng trên tài khoản mạng xã hội cá nhân, không phải của quân đội Trung Quốc.

“Bắc Kinh không muốn người dân nước này nghĩ rằng binh sĩ Trung Quốc thua trong vụ ẩu đả nhưng đồng thời lại muốn xuống thang vấn đề”, nguồn tin không được nêu tên cho biết.

Chuyên gia quân sự Zhou Chenming có trụ sở ở Bắc Kinh cho biết các binh sĩ Trung Quốc tại biên giới đã được lệnh kiềm chế.

“Trong các tranh chấp biên giới, Trung Quốc luôn muốn giữ nguyên trạng, nhất là hiện nay khi cả hai bên nên làm tất cả có thể để tránh đánh nhau. Trung Quốc đang bận đối phó đại dịch COVID-19 và các vấn đề khác như Đài Loan và Hong Kong, hơn nữa Ấn Độ cũng đang đối mặt tình hình COVID-19 nghiêm trọng”, ông Zhou nhận định.

Xe tải quân sự của Ấn Độ gần hồ Pangong năm 2018. Ảnh: AP

Ông Rajeev Ranjan Chaturvedy, chuyên gia về quan hệ quốc tế ở New Delhi (Ấn Độ)  cũng tán thành quan sát của ông Zhou. Ông Chaturvedy cho hay cả Trung Quốc và Ấn Độ đều hiểu được mức độ nghiêm trọng và nhạy cảm của các tranh chấp biên giới giữa họ.

“Các quan chức dân sự và quân đội của cả hai nước đã thảo luận theo các cơ chế hiện có. Theo tôi, cả hai nước đều hiểu rõ nguy cơ nên xác suất xảy ra chiến tranh (giữa Trung Quốc và Ấn Độ) là thấp”, ông Chaturvedy nêu ý kiến.

 “Tuy nhiên, tình hình vẫn rất nghiêm trọng và Ấn Độ đang theo dõi sát sao các hành động của Trung Quốc”, chuyên gia nói thêm.

Truyền thông đưa tin rằng cả quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng cường triển khai quân tới biên giới, trong đó PLA đã huy động 5.000 quân tới khu vực.

Hôm 27-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên không phủ nhận thông tin nước này điều quân tới khu vực biên giới. Tuy nhiên, ông Triệu nói rằng tình hình chung ở khu vực biên giới Trung Quốc và Ấn Độ vẫn ổn định và được kiểm soát, và hai nước có khả năng giải quyết các vấn đề biên giới thông qua đối thoại và đàm phán.

Xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ leo thang kể từ năm 2017, khi binh sĩ hai nước tham gia cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất ở khu vực Doklam, nơi cả Trung Quốc và Bhutan cùng tuyên bố chủ quyền. Bhutan là đồng minh của Ấn Độ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm