Theo bài báo đăng trên Thời Báo Hoàn Cầu ngày 20-2, Trung Quốc đang đẩy mạnh năng lực phòng thủ ở chiến khu Tây nhằm “đối phó với mọi đe dọa từ Ấn Độ”. Chiến khu Tây là khu vực chiến lược an ninh dọc biên giới phía Tây Trung Quốc.
Trong bài báo xuất hiện hình ảnh tiêm kích J-10 và J-11 của Trung Quốc đang tiến hành tập trận tác chiến trên không ở phía Tây đất nước hôm 13-2. Những hình ảnh này do Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) công bố.
Tiêm kích J-10 của Trung Quốc. Ảnh: CNN
“Với việc Ấn Độ nhập tiêm kích mới, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường chiến đấu cơ ở chiến khu Tây” - chuyên gia quân sự Zhongping Song nói.
Giới phân tích nhận định diễn biến này là một tín hiệu quan trọng sau khi New Delhi và Bắc Kinh căng thẳng vì xung đột biên giới ở Doklam, gần biên giới Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan mùa hè năm ngoái.
Trả lời đài CNN, Kanti Prasad Bajpai - Giám đốc Trung tâm châu Á và Toàn cầu hóa thuộc Trường chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) cho hay thông tin đăng trên Thời Báo Hoàn Cầu có thể được hiểu như là tín hiệu mà Bắc Kinh muốn gửi tới New Delhi rằng Doklam “vẫn chưa kết thúc” và Ấn Độ không nên “quá tự mãn”.
Theo Tham mưu trưởng Không quân Ấn Độ về hưu M. Matheswaran, tiêm kích J-11 của Trung Quốc đã được sử dụng ít nhất năm năm.
“Không phải Ấn Độ đang đe dọa Trung Quốc mà họ đang đe dọa Ấn Độ. Tôi không nghĩ Ấn Độ có đủ tiềm lực để dọa được Trung Quốc vào thời điểm này” -ông Matheswaran nêu ý kiến.
Tiêm kích J-11 chính là câu trả lời của Bắc Kinh trước việc New Delhi mua Sukhoi-30 của Nga. Trong khi báo chí Trung Quốc cho rằng J-11 là “tiêm kích thế hệ 3.5” và vượt trội các tiêm kích thế hệ thứ ba của Ấn Độ, ông Matheswaran cho rằng cả hai bên thực tế đang sử dụng “tiêm kích thế hệ 4”.
Đầu tháng này, Trung Quốc công bố tiêm kích tàng hình nội địa mới nhất, J-20 thế hệ 4, đã sẵn sàng chiến đấu.
Được xem là câu trả lời cho tiêm kích tàng hình F-22 và F-35 của Mỹ, J-20 nhằm cải thiện khả năng chiến đấu toàn diện của không quân Trung Quốc.
Một cuộc tập trận bắn đạn thật của Trung Quốc ở Tây Tạng. Ảnh: REUTERS
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ấn Độ từ chối bình luận về bài báo củaThời Báo Hoàn Cầu.
Giới phân tích đánh giá đây là bước đi mới nhất trong cuộc so găng kéo dài hàng thập kỷ giữa hai đối thủ thống trị Nam Á và diễn ra vào thời điểm quan hệ hai bên xấu đi. Bắc Kinh đang đẩy mạnh đầu tư vào các nước ở Ấn Độ Dương như Maldives và Sri Lanka và cũng bực tức vì New Delhi không sẵn sàng tham gia Sáng kiến Một vành đai - Một con đường (OBOR).
Giữa tháng 6-2017, Trung Quốc và Ấn Độ xảy ra xung đột biên giới ở khu vực tranh chấp Doklam. Mặc dù khu vực này không thuộc chủ quyền Ấn Độ nhưng Doklam nằm rất gần ngã ba biên giới Ấn Độ - Trung Quốc - Bhutan và một vùng đất hẹp mà Ấn Độ gọi là “cổ gà”. Khu vực này được xem là hành lang chiến lược, hoạt động như “huyết mạch” kết nối New Delhi và các tiểu bang xa xôi vùng Đông Bắc nước này.
Xung đột bùng phát sau khi Bhutan cáo buộc Trung Quốc xây một tuyến đường bên trong lãnh thổ của nước này. Trung Quốc phủ nhận cáo buộc, nói Doklam là một phần lãnh thổ Trung Quốc.
Bắc Kinh tố Ấn Độ đưa quân vào Bhutan, làm leo thang căng thẳng và dẫn tới việc hai bên liên tục tăng hiện diện quân sự trong khu vực. Xung đột chấm dứt vào cuối tháng 8-2017 nhờ các nỗ lực ngoại giao.