Một ngày sau khi Trung Quốc khẳng định căng thẳng với Ấn Độ ở khu vực biên giới đã dịu xuống, New Delhi cũng chính thức từ chối lời đề nghị của Tổng thống Donald Trump để Mỹ làm trung gian hòa giải tranh chấp Ấn-Trung.
Câu trả lời dứt khoát từ Ấn Độ được đưa ra hôm 28-5 sau khi Tổng thống Trump viết trên trang mạng xã hội cá nhân hôm 27-5 rằng Mỹ "đã, đang và sẽ luôn sẵn sàng giúp hòa giải hoặc phân xử vấn đề tranh chấp biên giới đang xảy ra giữa hai nước”.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã từ chối đề nghị này và nói rằng tranh chấp với Trung Quốc dọc Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) sẽ được hai nước giải quyết bằng “các biện pháp hòa bình”.
“Hai bên đã thiết lập cơ chế ở cả kênh ngoại giao và quân sự để giải quyết tình hình ở biên giới một cách hòa bình thông qua đối thoại và tiếp tục làm việc thông qua các kênh đó” - Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết.
Tổng thống Trump viết trên trang Twitter cá nhân rằng Mỹ "đã, đang và sẽ luôn sẵn sàng giúp hòa giải hoặc phân xử vấn đề tranh chấp biên giới đang xảy ra giữa hai nước”. Ảnh: Twitter
Ấn Độ cũng nhấn mạnh mong muốn lâu dài của quốc gia này là giải quyết vấn đề tranh chấp tại khu vực biên giới hai nước theo con đường song phương, theo tờ South China Morning Post.
“Lực lượng quân đội Ấn Độ đang rất cẩn trọng và đảm bảo đúng trách nhiệm đối với việc quản lý khu vực biên giới, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu được đưa ra trong các thỏa thuận và cam kết song phương với Trung Quốc để giải quyết bất kỳ vấn đề nào có thể phát sinh” - đại diện Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định.
Phản ứng chính thức của Ấn Độ được đưa ra trong bối cảnh nước này nhận thức rõ mong muốn can thiệp rộng rãi của Tổng thống Mỹ với các vấn đề trên khắp thế giới.
Dù đã từng đề nghị đứng ra hòa giải căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên một quan chức Mỹ lại muốn đóng vai trò trung gian giải quyết tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc, theo tờ The Hindu.
Một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho rằng đề nghị của ông Trump “không thể hiện bất kỳ mối quan tâm hay ủng hộ đáng kể nào đối với Ấn Độ, vốn là đồng minh thân thiết của Mỹ. Dòng tin trên mạng xã hội của ông Trump đã củng cố lý do tại sao Ấn Độ không thể phụ thuộc vào Mỹ khi còn trong nhiệm kỳ của ông Trump”.
Cựu đại sứ Ấn Độ - ông Anil Wadhwa khẳng định: “Lời đề nghị của Tổng thống Trump thực chất chỉ dành cho chính người dân Mỹ, như một bước đi trong kế hoạch chứng minh cho cử tri Mỹ rằng ông cũng là một chính khách quan tâm đến vấn đề quốc tế”.
“Tất cả những gì chúng ta cần làm là mặc kệ lời đề nghị ấy đi” - ông Wadhwa nói thêm.
Tổng thống Trump được cho là đã không biết Trung Quốc và Ấn Độ có biên giới chung cho đến đầu nhiệm kỳ cầm quyền tại Nhà Trắng. Ảnh: AP
Một cuốn sách được xuất bản đầu năm nay nói rằng khi mới lên nắm quyền, ông Trump thậm chí còn không biết Ấn Độ và Trung Quốc có chung biên giới.
Cuốn sách A Stable Genius: Donald J Trump’s Testing of America, kể lại cuộc gặp giữa ông Trump và Thủ tướng Narendra Modi, trong đó ông Trump được kể là đã nói với ông Modi rằng Ấn Độ và Trung Quốc không có chung biên giới.
Trên thực tế, hai nước này có chung biên giới dài hàng ngàn km và tranh chấp giữa hai nước ở khu vực này đã kéo dài suốt nhiều thập niên qua.
Căng thẳng Trung-Ấn bùng lên sau khi nhiều binh sĩ của hai nước đụng độ gần hồ Pangong ở Đông Ladakh, Ấn Độ vào các ngày 5 và 6-5. Khoảng 150 binh sĩ của hai bên cũng tham gia một vụ đối đầu khác ở Bắc Sikkim hôm 9-5.
Mặc dù đã không xảy ra thêm vụ đối đầu nào sau khi hai bên kích hoạt cơ chế quản lý biên giới, nhưng tình hình vẫn tiếp tục căng thẳng, đặc biệt tại thung lũng Galwan.
Ảnh chụp khu vực biên giới LAC ở Ladakh, Ấn Độ, nơi những người lính Ấn Độ và Trung Quốc đang ở trong tình trạng khó khăn. Ảnh: AP
Các vụ va chạm hay đối đầu giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc không phải hiếm gặp. Biên giới Ấn-Trung là một trong những khu vực tranh chấp lớn ở châu Á và thế giới.
Theo báo The Guardian, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với 90.000 km2 diện tích lãnh thổ hiện do Ấn Độ kiểm soát.
Năm 2017, một đoạn video ghi lại cảnh binh sĩ hai bên ném đá và đánh nhau tại khu vực Ladakh, tây bắc Ấn Độ.
Cũng trong năm 2017, căng thẳng gia tăng khi Ấn Độ đưa quân đội đến ngăn chặn Trung Quốc xây dựng một tuyến đường ở khu vực Doklam của Bhutan - khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan.
Sau đó, căng thẳng hạ nhiệt sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp nhau ở TP Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) vào năm 2018.