Ông Trump muốn giúp hòa giải căng thẳng biên giới Trung-Ấn

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngỏ ý đề nghị làm trung gian giúp chính quyền New Delhi và Bắc Kinh giải quyết căng thẳng đang xảy ra giữa hai nước dọc khu vực Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC).

Lời đề nghị của Tổng thống Trump gây bất ngờ bởi vào ngày trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng xoa dịu sự việc và cho biết tình hình giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã ổn định và có thể kiểm soát được.

“Chúng tôi đã gửi thư ngỏ cho cả Ấn Độ và Trung Quốc rằng nước Mỹ đã, đang và sẽ luôn sẵn sàng giúp hòa giải hoặc phân xử vấn đề tranh chấp biên giới đang xảy ra giữa hai nước” - ông Trump viết trên Twitter hôm 27-5.

Dù đã từng đề nghị đứng ra hòa giải căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên một quan chức Mỹ lại muốn trở thành trung gian giải quyết cho Ấn Độ và Trung Quốc, theo tờ The Hindu.

Một chiếc xe tải của quân đội Ấn Độ băng qua đèo Chang la gần hồ Pangong ở Ladakh vào ngày 14-92018. Ảnh: AP

Phát biểu của Tổng thống Mỹ dường như trái với lập trường của bà Alice Wells - Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, người đã thẳng thắn cáo buộc Trung Quốc về những căng thẳng đang xảy ra ở biên giới với Ấn Độ và gọi quốc gia này là mối đe dọa đối với các nước láng giềng ở châu Á.

Ngoài ra, động thái của ông Trump được đưa ra vào thời điểm mà mối quan hệ giữa Trung-Mỹ ngày càng căng thẳng trên nhiều mặt trận.

Ngoài tình hình không khả quan về vấn đề thương mại giữa hai bên, Mỹ cho rằng Trung Quốc đã không minh bạch với những thông tin liên quan đến đại dịch COVID-19.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien cho biết Washington đang cân nhắc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc nếu quốc gia này áp dụng dự luật an ninh quốc gia dành cho Hong Kong.

Hiện cả Bộ Ngoại giao Ấn Độ và Trung Quốc đều chưa có phản ứng với lời đề nghị của ông Trump.

Ấn Độ trong quá khứ đã từng từ chối tất cả các đề nghị hòa giải từ bên thứ ba về các tranh chấp với Trung Quốc, và Trung Quốc cũng có lẽ sẽ từ chối đề xuất này, tờ The Hindu cho biết.

Trước đó vào hôm 27-5, Trung Quốc đã khẳng định rằng cả hai quốc gia sẽ giải quyết vấn đề này bằng con đường đàm phán song phương.

“Tình hình ở khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ hiện tại đã ổn định và có thể kiểm soát được”- phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói trong một cuộc họp báo. 

“Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều có cơ cấu quản lý biên giới và những cách liên lạc qua lại ổn định ở khu vực LAC. Chúng tôi sẽ giải quyết các vấn đề tranh chấp giữa hai bên bằng đối thoại và tham vấn” - ông Triệu nói thêm.

Cho đến nay, giữa hai nước chưa xảy ra bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào. Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng việc thành lập một cơ chế giải quyết đã được xúc tiến giữa hai bên.

Một binh sĩ Trung Quốc (trái) và một binh sĩ Ấn Độ (phải) tại trạm mậu dịch Nathu La, nằm giữa khu tự trị Tây Tạng (Trung Quốc) và bang Sikkim (Ấn Độ) hồi năm 2017. Ảnh: AFP

Căng thẳng Trung-Ấn bùng lên sau khi nhiều binh sĩ của hai nước đụng độ gần hồ Pangong ở Đông Ladakh, Ấn Độ vào các ngày 5 và 6-5. Khoảng 150 binh sĩ của hai bên cũng tham gia một vụ đối đầu khác ở Bắc Sikkim hôm 9-5.

Mặc dù đã không xảy ra thêm vụ đối đầu nào sau khi hai bên kích hoạt cơ chế quản lý biên giới, nhưng tình hình vẫn tiếp tục căng thẳng, đặc biệt tại thung lũng Galwan.

Các vụ va chạm hay đối đầu giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc không phải hiếm gặp. Biên giới Ấn Độ-Trung Quốc là một trong những khu vực tranh chấp lớn ở châu Á và thế giới.

Theo The Guardian, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với 90.000 km2 diện tích lãnh thổ hiện do Ấn Độ kiểm soát.

Năm 2017, một đoạn video ghi lại cảnh binh sĩ hai bên ném đá và đánh nhau tại khu vực Ladakh, tây bắc Ấn Độ.

Cũng trong năm 2017, căng thẳng gia tăng khi Ấn Độ đưa quân đội đến ngăn chặn Trung Quốc xây dựng một tuyến đường ở khu vực Doklam của Bhutan - khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan.

Sau đó, căng thẳng hạ nhiệt sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp nhau ở TP Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) vào năm 2018. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm