Truyền thông Trung Quốc nhận vơ Everest, dân Nepal phản ứng

Truyền thông Trung Quốc đang vấp phải sự chỉ trích gay gắt do các bài viết cho rằng đỉnh Everest - đỉnh núi cao nhất thế giới - nằm trong lãnh thổ Trung Quốc, đài NDTV (Ấn Độ) đưa tin.

Đài truyền hình phải thay đổi từ ngữ sau khi bị chỉ trích

Ngày 2-5, đài truyền hình CGTN (Trung Quốc) đăng đoạn tweet: "Vầng sáng quanh mặt trời được nhìn thấy ngày thứ Sáu (tức ngày 1-5 - PV) trên bầu trời phía trên Châu Mục Lãng Mã Phong (cách Trung Quốc gọi tên đỉnh Everest - PV), đỉnh núi cao nhất thế giới nằm ở khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc". 

Đoạn tweet do đài CGTN đăng ngày 2-5, hiện đã bị xóa.

Đoạn tweet đã khiến người dân Nepal bất bình vì như mô tả của CGTN, đỉnh Everest sẽ hoàn toàn thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Nhiều người đã viết các đoạn tweet yêu cầu các quan chức ngoại giao Bắc Kinh làm rõ vấn đề này.

"Đại sứ Trung Quốc tại Nepal thân mến, bà có nghĩ điều này công bằng hay không? Chúng tôi muốn làm rõ. Hãy rút lại đi" - một người dùng Twitter viết.

Cựu Tổng biên tập báo Kathmandu Post, ông Anup Kaphle - người hiện đang làm việc tại tổ chức báo chí phi lợi nhuận Rest of the World - viết trên Twitter rằng: "Thật vớ vẩn vì lâu nay chúng tôi được dạy là đỉnh Everest nằm ở Nepal".

Nhà phân tích chính trị - ngoại giao người Nepal, ông Lekhnath Pandey thì đặt câu hỏi: "Bây giờ tới lượt Trung Quốc ư? Như thể là đỉnh Everest, hay ở Nepal còn được gọi là đỉnh Sagarmatha, chỉ thuộc về khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc!".

Đoạn tweet hôm 2-5 đã bị xóa và CGTN đăng lại một đoạn tweet mới vào ngày 10-5 với nội dung được sửa lại thành "đỉnh núi cao nhất thế giới nằm trên biên giới Trung Quốc - Nepal".

Một báo khác vẫn sử dụng ngôn từ tương tự

Tuy nhiên, báo China Daily (Trung Quốc) ngày 11-5 lại đăng tải một đoạn tweet, trong đó viết rằng Everest nằm ở "tây nam khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc".

China Daily cho biết một nhóm nhà leo núi Trung Quốc đang chuẩn bị lên đỉnh núi Everest theo lối leo núi có sẵn nếu điều kiện thời tiết cho phép.

Nhóm này có nhiệm vụ đo đạc và xây dựng một tuyến đường leo lên đỉnh Everest từ hướng bắc. Đã có một tuyến đường leo lên đỉnh Everest được xây dựng ở hướng nam và do Nepal quản lý.

Nhóm này đã khởi hành từ trạm dừng chân ở độ cao 6.500 m lên trạm dừng chân ở độ cao 7.028 m vào ngày 10-5. Dự kiến, 12 huấn luyện viên leo núi sẽ rời trạm ở độ cao 7.028 m trong ngày 12-5 để chuyển các vật liệu đến một trạm ở độ cao lớn hơn.

Các chuyên gia và nhà leo núi thuộc Bộ Tài nguyên thiên nhiên và đội leo núi quốc gia Trung Quốc đã bắt đầu chuyến leo núi để đo độ cao của đỉnh Everest đã được Trung Quốc khởi động từ ngày 30-4. 

Đoạn tweet ngày 11-5 của báo China Daily.

Đây là lần thứ bảy kể từ năm 1949, Bắc Kinh tổ chức các đoàn leo núi để đo độ cao chính xác của đỉnh Everest. Các lần đo đạc mới nhất cho thấy đỉnh Everest ở độ cao 8.844,43 m so với mặt nước biển.

Đỉnh Everest là khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Nepal từ những năm 1960.

Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Mao Trạch Đông cho rằng Trung Quốc có chủ quyền với một nửa ngọn núi. Ông cũng đề nghị không sử dụng cách gọi riêng của Trung Quốc hay Nepal, hay cách gọi Everest của "những người phương Tây" mà gọi đây là "ngọn núi hữu nghị Trung Quốc - Nepal".

Vua Madendra của Nepal không chấp nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh và cho rằng núi Everest nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Nepal.

Nhận vơ cả Mông Cổ, Kyrgyzstan, Kazakhstan

Thời gian gần đây, truyền thông Trung Quốc cũng gây ra những tranh cãi về chủ quyền với nhiều nước láng giềng như Mông Cổ, Kyrgyzstan hay Kazakhstan.

Trang Zee News (Ấn Độ) cho biết trang tin tuotiao.com (Trung Quốc) có bài viết tiêu đề "Tại sao Kyrgyzstan không trở về với Trung Quốc sau khi giành được độc lập (từ Liên Xô)?".

Tác giả bài viết đã viết theo hướng cả Kyrgyzstan và Mông Cổ đều là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

Trong khi đó, trang tin sohu.com (Trung Quốc) cũng có bài viết cho rằng "Kazakhstan nằm trong vùng đất thuộc về Trung Quốc nếu xét theo phương diện lịch sử" và cho rằng quốc gia Trung Á này mong muốn "trở về với" Trung Quốc.

Ngày 14-4, Kazakhstan đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại nước này, ông Trương Tiêu để phản đối về bài viết này.

Tuotiao.com và sohu.com là hai trang tin trực tuyến hàng đầu của Trung Quốc. Chỉ riêng tuotiao.com đã có 750 triệu độc giả, theo Zee News

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm