Mỹ đang xem xét đóng cửa đại sứ quán của mình ở Iraq, chín tháng sau vụ Washington không kích hạ sát một tướng Iran trên đất Iraq dẫn đến các cuộc phản đối hành động bị cho là vi phạm chủ quyền của quốc gia vùng Vịnh.
Nhiều cơ quan truyền thông, bao gồm The Wall Street Journal, The Washington Post và Sky News, hôm 27-9 đưa tin các quan chức Mỹ đã nói với những người đồng cấp Iraq rằng Washington sẽ ngừng các hoạt động ở Iraq nếu các vụ tấn công bằng tên lửa vào đại sứ quán nước này ở Vùng Xanh tại Baghdad không chấm dứt.
Báo The Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Iraq và Mỹ cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là người đã chuyển “tối hậu thư” nói trên cho Tổng thống Barham Salih và Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi của Iraq.
Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad. Ảnh: BLOOMBERG
Theo báo The Washington Post, nếu chính quyền của Tổng thống Donald Trump quyết định ủng hộ động thái này, đại sứ quán Mỹ sẽ ngừng hoạt động sau 90 ngày. Ngay cả khi đóng cửa đại sứ quán, Mỹ vẫn sẽ duy trì lãnh sự quán ở TP Erbil.
Quyết định rút các nhà ngoại giao Mỹ khỏi Baghdad được thực hiện theo lệnh của Tổng thống Trump, The Wall Street Journal đưa tin, trích dẫn cuộc trò chuyện giữa Đại sứ Mỹ tại Baghdad – ông Matthew Tueller và Ngoại trưởng Iraq Fuad Hussein.
Đại sứ Tueller được cho là đã nói với Ngoại trưởng Hussein rằng việc đóng cửa đại sứ quán sẽ đánh dấu một “kỷ nguyên” mới trong quan hệ Mỹ-Iraq, vốn ngày càng trở nên căng thẳng trong năm qua sau một loạt cuộc không kích của Mỹ.
Các cuộc không kích này bao gồm cuộc tấn công bằng máy bay không người lái hạ sát Tướng Qassem Soleimani của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và chỉ huy dân quân Iraq Abu Mahdi al-Muhandis vào tháng 1, khiến cả Tehran và Baghdad phẫn nộ.
Vào thời điểm đó, Thủ tướng lâm thời của Iraq Adil Abdul Mahdi đã lên án vụ hạ sát Tướng Soleimani tại sân bay Baghdad là "sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của Iraq".
Vụ việc đã khiến các nghị sĩ Iraq thông qua một nghị quyết không mang tính ràng buộc kêu gọi quân đội Mỹ rời khỏi đất nước. Vụ việc vốn đẩy Mỹ và Iran đến bờ vực một cuộc chiến tranh toàn diện này cũng đã làm gia tăng các vụ tấn công lực lượng dân quân Hồi giáo dòng Shiite của Iraq, trong đó Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad trở thành mục tiêu chính của các vụ nã rốc két.
Ngay cả trước khi xảy ra vụ hạ sát Tướng Soleimani, vốn gây chấn động khắp Trung Đông, đại sứ quán Mỹ đã bị bao vây bởi đám đông biểu tình vào tháng 12 sau vụ 20 người Iraq thiệt mạng trong các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào lực lượng dân quân Kataib Hezbollah do Iran hậu thuẫn. Những người biểu tình đã phóng hỏa một chốt kiểm soát và cố gắng xông vào khuôn viên sứ quán.
Thủ tướng al-Kadhimi, một cựu giám đốc tình báo, đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên với tư cách là người đứng đầu nội các Iraq tới Tehran vào tháng 7, trước khi tới Washington dự cuộc gặp với Tổng thống Trump vào tháng 8.
Sau khi xuất hiện thông tin Mỹ đang xem xét đóng cửa đại sứ quán, phát ngôn viên của ông al-Kadhimi nói với The Washington Post rằng Baghdad hy vọng Washington sẽ thay đổi ý định, cho rằng việc đóng cửa đại sứ quán sẽ "gửi một thông điệp tiêu cực" đến "các nhóm ngoài vòng pháp luật" vốn đang "cố gắng làm lung lay ”quan hệ Mỹ-Iraq.
Về phần mình, Iran chưa có phản ứng gì với ý định trên của Mỹ, nhưng vào tháng 7, Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã cảnh báo Iran sẽ không bỏ qua mà tiếp tục trả đũa Mỹ về vụ giết Tướng Soleimani.