Một binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã bị giết chết trong một vụ ném bom của chính phủ Syria ở tỉnh Idlib, tây bắc Syria, giới chức địa phương Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong khu vực giữa Ankara và Damascus.
Theo hãng tin RT, viết trên Twitter ngày 23-2, văn phòng thống đốc tỉnh Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết một binh sĩ được xác định là Mecit Demir đã bị giết chết trong vụ ném bom của chính phủ Syria ở Idlib. Người này trở thành binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thứ 16 thiệt mạng ở Idlib trong vòng một tháng.
Đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đi qua Idlib. Ảnh: AFP
Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho hay lực lượng nước này đã trả đũa vụ ném bom của chính phủ Syria, phá hủy 21 mục tiêu của chính phủ Syria. Bộ này cho hay người lính bị giết chết là thợ cơ khí xe tăng, tử vong trên đường chuyển tới bệnh viện.
Vụ tấn công diễn ra hai ngày sau khi hai binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong một cuộc vây ráp trên không ở Idlib và Ankara đổ lỗi cho lực lượng chính phủ Syria.
Trước đó cũng trong tháng 2, 13 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bị giết chết trong các cuộc tấn công của Syria, khiến ông Erdogan cảnh báo nước này sẽ tấn công lực lượng Syria ở bất cứ đâu tại Syria nếu có thêm binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bị tổn thương.
Thổ Nhĩ Kỳ, vốn ủng hộ những gì nước này gọi là nhóm vũ trang “ôn hòa”, gần đây triển khai ồ ạt quân và thiết bị tới khu vực nhằm đáp trả cuộc tấn công của quân đội Syria. Lực lượng đang thống trị tỉnh Idlib là Hayat Tahrir al-Sham (HTS), một nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda và trước đó còn gọi là Mặt trận Al-Nusra.
Cả Moscow và Damascus đều xem nhóm vũ trang này là mối đe dọa lớn trong khu vực và là một trong những nguyên nhân quân đội Syria tiếp tục chiến dịch quân sự tại địa phương này.
Damascus đã gây ra hàng loạt thất bại cho phe nổi dậy trong nỗ lực giải phóng một đường cao tốc chiến lược nối thủ đô Damascus với Aleppo - TP lớn nhất của Syria.
Gần đây nhất, Thổ Nhĩ Kỳ đã pháo kích các vị trí của quân đội Syria khi các tay súng nổi dậy phát động một “cuộc tấn công lớn” nhằm giành lại lãnh thổ đã bị mất. Tuy nhiên, cuộc tấn công chấm dứt khi Moscow liên lạc với Thổ Nhĩ Kỳ. Quân đội Syria dưới sự yểm trợ của Không quân Nga cũng đã đẩy lùi thành công cuộc tấn công.
Nga cũng đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao nhằm xoa dịu căng thẳng trong khu vực. Tuy nhiên, bất chấp những liên lạc thường xuyên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, trận chiến ở Idlib đến nay không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Chính phủ Syria cảnh báo cứng rắn
Hãng thông tấn SANA (Syria) ngày 22-2 dẫn các nguồn tin quân sự cho hay Damascus sẽ đưa ra cách tiếp cận cứng rắn hơn trong bảo vệ không phận nước mình. Bất kỳ máy bay quân sự nào của nước ngoài xâm phạm không phận Syria sẽ phải “đối mặt” với Không quân Syria và bị tấn công bởi các đơn vị phòng không.
Nga chuyển hệ thống phòng không S-300 tới Syria. Ảnh: SPUTNIK
SANA ngày 22-2 dẫn một tuyên bố phát đi từ Bộ Tổng tư lệnh Quân đội và Lực lượng vũ trang Syria cho hay các đơn vị phòng không của Syria được lệnh khai hỏa vào bất cứ máy bay nước ngoài nào xâm phạm không phận Syria.
“Bất cứ máy bay chiến đấu nào xâm nhập không phận Syria sẽ bị xử lý như một mục tiêu thù địch. Nó sẽ bị bắn rơi và phá hủy một khi bị phát hiện” - tuyên bố cảnh báo.
Ngày 13-2, phòng không Syria đã chặn đứng một cuộc tấn công tên lửa của Israel ngay sau khi tên lửa được phóng từ cao nguyên Golan.
“Lực lượng phòng không của chúng tôi đã đương đầu với một cuộc tấn công của Israel ở phía tây Damascus” - SANA lúc đó cho biết nói thêm rằng Damascus có thể bắn rơi hầu hết tên lửa của kẻ thù trước khi chúng đánh trúng mục tiêu.
Hội nghị thượng đỉnh bốn bên
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết ông sẽ gặp các nhà lãnh đạo Nga, Pháp và Đức vào tháng tới để thảo luận tình hình ở tây bắc Syria.
Theo kênh Al Jazeera, phát biểu với báo giới ở Izmir (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 23-2, ông Erdogan không tiết lộ cuộc họp ngày 5-3 sẽ được tổ chức tại đâu. Tuy nhiên, ông cho biết thêm Thổ Nhĩ Kỳ đã “xác định lộ trình của chúng tôi” cho Syria sau các cuộc gọi vào ngày 21-2 với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: REUTERS
“Tôi đã bày tỏ quyết tâm của chúng tôi một cách rõ ràng với họ” - ông Erdogan khẳng định. Tuần trước, ông Erdogan đe dọa một chiến dịch “sắp diễn ra” chống lại lực lượng Syria ở Idlib.
Thổ Nhĩ Kỳ đã điều hàng ngàn binh sĩ và thiết bị tới khu vực ở phía nam biên giới nước này nhằm đẩy lùi chiến dịch quân sự của lực lượng chính phủ Syria. Vốn đã tiếp nhận 3,7 triệu người tị nạn Syria, Thổ Nhĩ Kỳ giờ không thể nhận thêm làn sóng người tị nạn mới và nước này cũng đã đóng cửa các biên giới.
Tổng thống Macron và Thủ tướng Merkel ngày 21-2 bày tỏ lo ngại về tình hình nhân đạo ở Idlib và hối thúc chấm dứt xung đột. Trong khi đó, Điện Kremlin nói Nga đang thảo luận về khả năng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh bốn bên.
Nói qua điện thoại với ông Putin ngày 21-2, ông Erdogan nói rằng giải pháp sẽ là đưa trở lại thỏa thuận Sochi mà họ đã ký năm 2018 vốn cho phép Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập các chốt quân sự trên khắp Idlib nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thỏa thuận này ngày càng bị lực lượng Syria gạt qua một bên và dần dần tiến quân tới khu vực Idlib - địa bàn hoạt động cuối cùng của phe nổi dậy tại Syria.
Liên Hiệp Quốc ngày 21-2 cảnh báo rằng cuộc chiến leo thang có thể dẫn tới cảnh “đổ máu” và kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Gần 900.000 người, trong đó hơn nửa là trẻ em, đã rời bỏ nhà cửa kể từ ngày 1-12-2019, thời điểm lực lượng chính phủ đẩy mạnh cuộc tấn công.