Hàng trăm ngàn dân thường Syria chạy trốn khỏi cuộc tấn công ác liệt của chính phủ Syria bị dồn ép vào những khu vực chật hẹp gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ trong những điều kiện vô cùng tệ hại. Trong đó, nhiệt độ dưới mức đóng băng đang giết chết những đứa trẻ sơ sinh và trẻ em, ông Mark Lowcock - Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) phụ trách các vấn đề về nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp, cảnh báo.
"Ở Idlib, không nơi nào an toàn"
Theo kênh Al Jazeera, phát biểu tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, ông Lowcok ngày 19-2 cho biết thảm họa nhân đạo đang diễn ra ở tỉnh Idlib, tây bắc Syria, đã lấn át cả những nỗ lực cung cấp và viện trợ.
Những người tị nạn Syria đi đến trại Deir al-Ballut ở Afrin, dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP
Gần 900.000 người với hơn nửa trong số đó là trẻ em buộc rời bỏ nhà cửa kể từ ngày 1-12-2019, khi lực lượng chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn đẩy mạnh cuộc tấn công quân sự ở Idlib nhằm loại bỏ những chiến binh đối lập tại đây.
“Họ đang di chuyển ngày càng nhiều tới những khu vực đông đúc mà họ nghĩ sẽ an toàn hơn. Nhưng ở Idlib, không nơi nào an toàn cả” - ông Lowcock nói.
Tình hình “cực kỳ ảm đạm”
Ông Lowcock nói rằng sự thù địch bây giờ hiện hữu xung quanh những khu vực đông dân cư với những người dân “hoảng sợ” đã chạy trốn bằng chân trần hoặc sau xe tải. Họ đang ở Dana và Sarmada, về hướng chốt biên giới Bab al-Hawa giáp biên giới với nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ nhưng đã đóng cửa. Đây được coi là làn sóng tị nạn lớn nhất kể từ khi xung đột nổ ra ở Syria năm 2011.
Trước đó, trong ngày 19-2, đặc phái viên LHQ về Syria Geir Pedersen lặp lại cảnh báo của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres về sự suy thoái nhanh chóng của tình hình nhân đạo và sự bi thảm của người dân.
Một người đàn ông lái xe đi qua các tòa nhà bị phá hủy ở thị trấn Ihsim, Syria, ngoại ô TP Idlib. Ảnh: AFP
“Sự thù địch đang tiếp cận dày đặc những khu vực đông dân như TP Idlib và chốt biên giới and Bab al-Hawa, nơi tập trung dân thường di tản nhiều nhất ở tây bắc Syria và cũng là dây cứu sinh nhân đạo” - ông Pedersen nói.
Ông Pedersen cảnh báo: “Tiềm năng về sự di tản hàng loạt hơn nữa và thậm chí là “nỗi đau khôn xiết” là rõ ràng khi số người bị dồn vào một không gian chật hẹp ngày càng tăng”.
Đàm phán Nga - Thổ Nhĩ Kỳ không tạo đột phá
Ông Pedersen cho hay Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, những nhà tài trợ cho một lệnh ngừng bắn mong manh ở Idlib, có thể và phải đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra giải pháp giảm leo thang tình hình lúc này, dẫu rằng những cuộc gặp giữa các phái đoàn hai nước ở Ankara, Munich và Moscow những ngày gần đây và những liên lạc giữa hai vị tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không mang lại kết quả.
“Ngược lại, những tuyên bố công khai từ nhiều nguồn khác nhau, Syria và quốc tế cho thấy nguy cơ về sự leo thang hơn nữa sắp xảy ra” - ông Pedersen nói.
Một xe tải quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ở làng Qah, tỉnh Idlib, Syria di chuyển về TP Aleppo, Syria. Ảnh: AFP
PV Mike Hanna của kênh Al Jazeera đưa tin từ trụ sở LHQ tại New York cho hay tuyên bố của ông Pedersen tại HĐBA phản ánh tình hình “cực kỳ ảm đạm” đang diễn ra ở tây bắc Syria.
“Những gì chúng tôi nghe thấy ngày hôm nay là một điều gì đó u ám và là mối lo ngại lớn nhất đối với HĐBA” - ông Hanna nói.
Cuộc họp của HĐBA diễn ra giữa lúc Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đưa ra những lời cảnh báo lẫn nhau.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói trước các nhà lập pháp tại quốc hội ngày 19-2 rằng: “Một chiến dịch ở Idlib sắp xảy ra. Chúng tôi đang đếm ngược, chúng tôi đang đưa ra những cảnh báo cuối cùng của chúng tôi”.
Đáp lại cảnh báo của ông Erdogan, Nga - đồng minh chính của chính phủ Syria tuyên bố bất cứ chiến dịch nào nhằm vào lực lượng chính phủ Syria ở Idlib sẽ là “kịch bản tồi tệ nhất”.
PV Hashem Ahelbarra của kênh Al Jazeera đưa tin từ tỉnh Hatay tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria cho biết Moscow và Ankara không thể tạo ra bước đột phá trong các cuộc đàm phán.
Ông Ahelbarra nói thêm, tuần tới sẽ mang tính “quyết định” trong việc xác định liệu Ankara có đẩy mạnh chiến dịch của họ ở Idlib hay không.
Ông Erdogan nhiều lần tuyên bố lực lượng chính phủ Syria ở Idlib phải rút quân khỏi các trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib trước cuối tháng 2. Ông Erdogan cảnh báo rằng nếu họ không làm vậy, Ankara sẽ tìm cách đẩy lùi họ.
Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập 12 trạm quan sát ở Idlib theo thỏa thuận ký với Nga năm 2018.
Binh sĩ Syria đã tái chiếm một số khu vực ở Idlib và kiểm soát đường cao tốc chiến lược M5 nối bốn TP lớn nhất của Syria, cũng như toàn bộ khu vực xung quanh TP Aleppo lần đầu tiên kể từ năm 2012.
Trong một tuyên bố hiếm hoi trước đó trong tuần này, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cam kết tiếp tục chiến dịch, nói rằng cuộc chiến chưa kết thúc nhưng “thắng lợi hoàn toàn” đã ở trước mắt. Damascus và Moscow duy trì chiến dịch quân sự ở Idlib nhằm loại bỏ những kẻ khủng bố khỏi khu vực.