Ngoại trưởng Mỹ Blinken đến Ấn Độ, bàn về Trung Quốc

Ngày 27-7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Ấn Độ để dự các cuộc họp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và các nhà ngoại giao hàng đầu của New Delhi. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy Washington đang ngày càng coi trọng New Delhi khi quan hệ với Bắc Kinh tiếp tục đi xuống, tờ South China Morning Post đưa tin.

Ông Blinken sẽ gặp ông Modi và Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar để thảo luận về một số vấn đề trong khu vực và trên thế giới có liên quan đến lợi ích và an ninh của đôi bên, như tình hình khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cùng một số vấn đề khác.

Chuyến thăm Ấn Độ của ông Blinken diễn ra trong bối cảnh Washington đang nỗ lực củng cố các liên minh để đối phó Trung Quốc. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Joe Biden và ông Blinken nhấn mạnh tầm quan trọng của “Bộ tứ kim cương” (nhóm QUAD) - một liên minh bốn quốc gia gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Mỹ - trong khu vực.

Vào tháng 3, ông Biden đã triệu tập một cuộc họp cấp cao với các nhà lãnh đạo khác của nhóm QUAD. Tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo đã thảo luận về “các hành động gây hấn và ép buộc” của chính quyền Bắc Kinh đối với các thành viên của nhóm. Tuy nhiên, Bắc Kinh cáo buộc nhóm QUAD đang “thổi phồng cái gọi là mối đe dọa Trung Quốc".

Theo SCMP, vài ngày trước, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã gặp gỡ các quan chức cấp cao của Mông Cổ, Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm thúc đẩy các liên minh khác của Mỹ ở khu vực xung quanh Trung Quốc. Sau đó, bà cũng có cuộc họp với các quan chức cấp cao của Bắc Kinh diễn ra tại TP Thiên Tân, Trung Quốc.

Mỹ và Trung Quốc đã có những bất đồng về các nghi thức ngoại giao trước cuộc họp tại Thiên Tân, vì Washington muốn bà Sherman có thể tiếp cận nhiều hơn với các quan chức thân cận của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ngoài ra, vào tháng trước, ông Biden cũng đã có cuộc họp với các nhà lãnh đạo nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7). Sau cuộc họp, các nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung lên án tình trạng lao động cưỡng bức ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc, và công bố kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu nhằm cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

Ngày 27-7, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington và New Delhi có “quan hệ đối tác chiến lược bền chặt dựa trên các giá trị chung và cam kết hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

"Ấn Độ là đối tác quan trọng trong nỗ lực đảm bảo rằng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một khu vực hòa bình, ổn định và ngày càng thịnh vượng và hòa nhập kinh tế" - Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ gọi chuyến thăm của ông Blinken là “một cơ hội để tiếp tục đối thoại song phương cấp cao và củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu giữa Ấn Độ và Mỹ”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm